Kể chuyện làng: Ông Ba Giác bán nón lá xứ dùi chiêng
Cái thuở con người còn vật lộn hoang hóa trên cánh đồng, trên đồi cỏ bằng đôi tay cần lao sau chiến tranh. Cái thời đất đai, đồng ruộng làng Thắng Đông (Quế An, Quế Sơn, Quảng Nam) quê ông còn phụ thuộc vào nước trời cháy khét, suốt năm chỉ để trồng sắn, trống mía chứ mấy ai dám trồng lúa đâu. Cả một khu rừng Gò Dài, rừng ông Qúy bên khe Đá Giăng, Đá Nhảy cũng chỉ cho con nít thả bò và chặt bổi đốt mía chứ đâu dám mơ tiền trăm, tiền triệu như bây giờ. Nghèo đói triền miên bám riết lấy những phận người.
Bởi vậy, phải tìm cách nào đấy để thoát ra, để cứu lấy sự thiếu hụt trầm trọng về lương thực là điều không dễ một chút nào. Chỉ còn một cách là "leo núi", những vùng đất còn hoang sơ, mưa nắng thuận hòa và đất đai màu mỡ. Lúc đầu đi ít, sau đi nhiều. Mỗi người mỗi nghề, ai giỏi cái gì thì làm ra cái ấy để đi đổi cái ăn cho gia đình. Những mặt hàng phổ biến lúc bấy giờ là rổ rá, dần sàng được đan bằng tre, là ảng đất, nồi đất, áo tơi và nón lá… Riêng xứ dùi chiêng của ông đều dồn tất cả thời gian vào việc chằm nón lá. Đàn ông, đàn bà đều chằm nón. Mùa đến trong làng cứ nghe râm ran cười nói suốt ngày.
Ông đông con, nếp tẻ đủ bảy người đang tuổi ăn tuổi lớn. Với chiếc xe đạp cà tàng ông chở nón đi rao bán khắp vùng. Nói là bán nhưng thực ra là đổi lúa, sắn… chứ thời ấy làm chi có nhiều tiền mà giao dịch. Mà nhiều tiền cũng chẳng để làm gì khi mà con người phải xếp hàng suốt ngày trước cửa hàng Mậu dịch để mua nhu yếu phẩm theo tem phiếu lúc có lúc không. Hàng hóa khan hiếm, cái no còn xa xỉ hơn nhiều, đôi lúc nằm ngủ cứ cồn cào mơ ước. Ba cái nón lá được một ang lúa. Một ngày may mắn cố sức đi, bán được vài chục nón là có lúa mang về cho vợ con đỡ đói. Lang thang khắp làng xa xóm vắng mà chủ yếu là dắt xe đi bộ. Lúc Quế Thọ, Quế Bình khi Quế Lưu, khi tuốt tận Hòn Kẽm - Đá dừng. Ông nhận lấy cho riêng mình cái dãi dầu để đổi cho thiên hạ cái che dãi dầu mưa nắng. Ông chấp nhận gian truân để cho các con ông được bình yên mà yên tâm lo học hành nuôi ước mơ hoàn thiện cuộc người.
Với bản tính hiền hậu, chân tình và nói cười xởi lởi ông rất được mọi người tin yêu quý mến. Những câu chuyện cơ cực của cuộc đời ông luôn gặp sự cảm thông sẻ chia của những người cơ cực quê tôi. Lâu lâu không thấy ông lên ai cũng nhắc, cũng trông, nhất là những khi nón cời, nón rách. Ông mang theo sau chồng nón lá cao còn là những câu chuyện thú vị về cuộc đời và những kinh nghiệm sống.
Những câu chuyện gần gũi kiểng quê mà giá trị được ông kể bằng giọng nhẹ nhàng ấm áp cứ thu hút đám trẻ chúng tôi mỗi khi ông tới. Ông quý và tôn trọng sự học. Tôi đã từng may mắn được ông tặng cho cuốn sách như là phần thưởng năm lên lớp Tám. Ông đi nhiều nơi, nên ngoài bán nón ai đau ốm hay khó khăn chuyện gì ông cũng sẵn lòng giúp đỡ từ mua thuốc tây đến xỏ mũi trâu, mũi bò hay mua gàu tát nước. Bởi vậy, lúc trở về nhà ngoài lúa sắn đổi được là cơ man những điều các con trông đợi như mít chín, thơm khô, khoai chà… được bà con gửi tặng.
Hàng nón của ông bán đều bền chắc, nan cứng, chỉ dày rất hợp với bà con lao động. Đa số nón bán đều do gia đình ông làm ra từ khâu vót nan, phơi lá và chằm nón. Mọi công đoạn đều khép kín nên rất chất lượng. Những lúc thiếu nón ông đi lấy lại của bạn hàng nhưng khi đem về ông bảo các con chằm thêm chỉ vào cho chắc. Chỉ nhìn chiếc nón là mọi người vùng Tây có thể nhận ra "nón của ông Ba" vì bao giờ cũng cứng cáp khác biệt, rất phù hợp cho đội đầu khi mưa nắng, lúc ngửa nón đựng sim mua và có khi dùng tát nước… Tuy nhiên, ông vẫn có loại nón thanh mảnh, nhẹ nhàng được các cô gái đặt hàng trước ngày lễ vu quy theo chồng về xứ lạ. Hàng này kỳ công nhưng thường khi giao ông chỉ tặng mà không lấy tiền cứ như một chút quà thơm thảo.
Bây giờ thì ông đã đi xa rồi. Thật xa theo một miền mây trắng. Quê hương đã đổi thay, cơ cực một thời đã thành dĩ vãng. Nhưng đâu đó trong tiềm thức của những người dân vùng Tây Quế Sơn vẫn còn thấy bóng dáng ông trong những câu chuyện kể xa xưa trong ngày mưa tháng nắng. Và, các con cháu của ông làm sao quên được những thanh âm rất khuya của chiếc xe đạp cà tàng trở về với những gói quà quê và mùi mồ hôi mặn trắng trong những đêm mùa đông gió rét.
Nhớ ông để nhớ một thời!
Tân Bình, mùa Giêng 2022
Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.
Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.
Các bài viết hay nhất, chất lượng nhất sẽ được lựa chọn để trao giải thưởng 2 tháng/lần.
Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; ĐT liên hệ: 0903226305.
Rất mong được sự hợp tác, cộng tác của quý bạn đọc, của tác giả!
No comments