Breaking News

Bài dự thi "Ký ức Tết trong tôi": Về thăm quê mẹ, bồi hồi thương nhớ hương vị Tết xưa

Dù đã xa quê hương nhiều năm nhưng những dư vị của Tết xưa vẫn mãi vấn vương trong tâm hồn tôi. 

Vào đầu những năm 90, tôi khoảng 7 tuổi, tôi mong chờ Tết như mong mẹ về chợ. Cứ tầm 25 Tết tôi được nghỉ học thì ngay hôm sau tôi được mẹ chở về nhà ông bà ngoại đón Tết. 

Nhà ngoại cách nhà tôi khoảng 25 km. Đường xá ngày đó khó đi và phương tiện đi lại chỉ có xe đạp nên mẹ tôi phải đạp xe nửa ngày mới tới được nhà bà. Hôm nào gặp trời mưa, đường cuộn nhiều bùn đất, mẹ tôi phải vất vả hơn vì cứ đi được một đoạn, mẹ con tôi phải dừng xe, kiếm cành cây ven đường để cạy bùn đất bám chặt vào bánh xe ra, để xe bớt nặng. 

Về với ngoại, tôi sẽ được đón một cái Tết háo hức và ấm no. Ở nhà bà, tôi hay chơi cùng các anh chị con nhà bác sàn sàn tuổi tôi, và khoảng hơn chục đứa cháu nhà bà Bút các trò chơi dân gian như: chơi chuyền, ô ăn quan, nhảy bao bố, trốn tìm, bắn bùm, ném lon, rồng rắn lên mây, nhảy dây, mèo đuổi chuột, kéo co, oẳn tù tì, nu na nu nống… Nhà bà Bút và nhà bà tôi cạnh nhà nhau, nhà nào cũng vườn rộng, nhà rộng, cây cối thì um tùm. Nên nếu chơi trốn tìm rất thích vì đối phương rất khó tìm ra chúng tôi. 

Bài dự thi "Ký ức Tết trong tôi": Về thăm quê mẹ, bồi hồi thương nhớ hương vị Tết xưa - Ảnh 1.

Tôi (bên trái) và chị con bác tới thăm và chụp ảnh tại chùa Keo năm 1995, lúc này chị em tôi học lớp 6. Ảnh: Nhật Hà

Hơn nữa, cách đây hơn 30 năm, tôi có thể tự hào rằng nhà ông bà ngoại tôi có của ăn của để nhất xóm. Hàng xóm láng giềng xung quanh ai cũng khen ngợi ông bà ngoại tôi là người chịu khó làm lụng mà không nề hà việc gì từ trồng trọt, chăn nuôi, thả cá, làm mây tre đan… 

Thế nên, dù ngày thường hay ngày Tết, nhà ông bà tôi đều có đồ ăn ngon. Nhà ông có chiếc ao rất lớn thả cá. Những ngày giáp Tết cá nổi đầy lên mặt ao để tìm thức ăn. Toàn những con cá trắm béo ú nu ú nần. Vì thế tôi thường được ông bà và các bác tôi chăm sóc tôi chu đáo bằng cơm với cá kho, cá nướng, cá nấu riêu, thịt kho su hào… những món ăn mà khi ở nhà tôi hiếm khi được ăn. 

Tôi nhớ quay quắt thời gian từ 27 Tết, tôi sẽ cùng bà ngoại mang bưởi và chuối  tới chợ Bồng bán. Nhà bà ngoại tôi trồng nhiều bưởi và chuối. Nếu chỉ để nhà dùng thì không hết, nên gần Tết bà thường hái bưởi và chuối mang ra chợ bán. Bán ở chợ Bồng không hết, bà lại mang tới chợ Mét. Ngày xưa ấy giá một quả bưởi, nải chuối rất rẻ. Ngoài bán bưởi, bà thường mang theo ít rổ rá do chính tay ông bà đan để bán. 

Ở phiên chợ cuối năm ấy khi bán được hàng, bà sẽ mua cho tôi một chiếc bánh rán ngọt thơm thơm vị đỗ xanh, của gạo nếp và gấc đỏ hòa quyện vào nhau, hay chiếc cặp ba lá để tôi làm điệu. 

Đi chợ về, tôi lại lăng xăng cùng các anh chị dọn dẹp cửa nhà bếp núc, rửa sân cho thật sạch. Rồi cắm hoa cúc, hoa thược dược vào lọ để lên bàn thờ tổ tiên. 

Ngoài ra, chúng tôi còn giúp bà rửa lá dong, vo đỗ, để chuẩn bị gói bánh chưng. Ông ngoại tôi thường gói cho mỗi cháu một chiếc bánh chưng nho nhỏ để các cháu vui. 

Trải ổ rơm trong bếp để canh nồi bánh chưng luộc khiến tôi háo hức. Cái lạnh tái tê của ngày Tết cũng tan biến bởi ngọn lửa luộc bánh bập bùng cháy, mùi thơm của bánh chưng chín lan tỏa khắp căn bếp xưa. Ảnh: Nhật Hà

Vui nhất là trải ổ rơm trong bếp để canh nồi bánh chưng luộc. Nhìn ngọn lửa bập bùng, nghe tiếng nước sôi sùng sục trong nồi bánh chưng, mùi thơm của gạo nếp, của mùi lá dong xanh thấy Tết đang đến thật gần. Mặc kệ ngoài trời gió thổi lạnh buốt, củi lửa trong bếp hắt lên, khiến chúng tôi đứa nào mặt cũng đỏ hây hây và vui cười tung toé. 

Vào đêm giao thừa, bà tặng tôi một chiếc túi vải nhỏ xinh màu đỏ may mắn do chính tay bà khâu để tôi đựng tiền lì xì, tôi còn được mặc quần áo mới để đón năm mới sang. Khi tiếng pháo nổ đì đùng ngoài ngõ, xác pháo hồng bay khắp sân cũng là lúc chúng tôi, những đứa trẻ lít nhít xếp thành hàng, đứng khoanh tay rất ngoan để nhận tiền lì xì là những tờ tiền 200 đồng màu nâu đỏ có hình máy cày và cánh đồng năm tấn ở Thái Bình, hoặc tờ tiền 500 đồng màu cánh sen có hình cảng Hải Phòng. Những tờ tiền này sẽ được chúng tôi gom lại để mùng 4 Tết đi lễ hội chùa Keo.

Chùa Keo -  ngôi chùa hơn 400 năm tuổi có tên chữ là Thần Quang Tự, nằm ở xã Duy Nhất, Vũ Thư, Thái Bình, cách nhà bà ngoại tôi khoảng 2km. Đây được coi là ngôi chùa cổ đẹp nhất Việt Nam. 

Bài dự thi "Ký ức Tết trong tôi": Về thăm quê mẹ, bồi hồi thương nhớ hương vị Tết xưa - Ảnh 3.

20 năm xa quê, đây là lần thứ 2 tôi trở lại thăm chùa Keo. Đứng trong không gian trang nghiêm, thoang thoảng mùi khói hương. Những ký ức Tết xưa lại chầm chậm quay về trong trí nhớ của tôi. Ảnh: Nhật Hà

Vào sáng sớm ngày mùng 4 Tết lũ trẻ con chúng tôi tự đạp xe đạp tới chùa xem lễ hội, đứa nào cũng thích thú và hò reo khi xem thi bắt vịt, thi ném pháo, kéo lửa thổi cơm. Xem xong lại sà vào xem những gánh hàng tò he với những hình con vật đủ màu sắc của những nghệ nhân tò he. Tuy nhiên, tiền lì xì ngày tết chúng tôi chỉ mua ít quế cay cay để ăn thôi, còn lại để mang về đưa bố mẹ, chứ không dám mua thêm bất cứ thứ gì. 

20 năm xa quê hương, đây là lần thứ 2 tôi trở về thăm chùa Keo. Chùa vẫn thế, vẫn trang nghiêm, trầm mặc soi bóng xuống lòng hồ trong vắt, xa xa là những thửa ruộng loang loáng nước sắp vào vụ cấy.  Trong khói hương chiều Xuân, những cơn gió rét tái tê vít những cành cây cong vút. Những ký ức về Tết xưa bên quê ngoại tưởng chừng đã phôi phai bởi màu thời gian. Thế nhưng lạ thay, đứng trong không gian trầm mặc và cổ kính, mùi của Tết, của hương vị tình thân gia đình, của tình thương mến của ông bà ngoại, những trò chơi dân gian xưa với các anh chị tôi… lại chầm chậm quay về trong trí nhớ của tôi. Tết xưa dù còn thiếu thốn, dù còn nhọc nhằn, dù không mâm cao cỗ đầy nhưng với tôi đó là những ký ức thật đẹp và ấm áp biết nhường nào.

Cuộc thi "Ký ức Tết trong tôi" của báo điện tử Dân Việt mở ra với mong muốn nhận được những bài viết (thể loại báo chí phản ánh, ghi chép, bút ký, tản mạn chưa đăng tải trên báo chí - BTC) chia sẻ những suy tư, cảm xúc, những câu chuyện có thật của bạn đọc về những ngày Tết trong quá khứ, những hình ảnh, cảm xúc theo năm tháng vẫn còn in đậm trong tâm trí mỗi người. Để từ đó, chúng ta trân trọng và nâng niu hơn những khoảnh khắc mà ta đang sống.

Các bài dự thi viết bằng tiếng Việt, chưa từng đăng trên ấn phẩm báo chí nào. Các bài viết gửi về tòa soạn báo điện tử Dân Việt theo địa chỉ email vhxh.ntnn@gmail.com trong thời gian 10 ngày, từ ngày 29/1 (tức 27 Tết) tới hết ngày 7/2 (tức mồng 7 Tết Nguyên đán Nhâm Dần), điện thoại liên hệ: 0979270846. Các bài viết có độ dài tối thiểu 600 chữ, tối đa 1.500 chữ, kèm theo ít nhất 2 - 3 ảnh thực tế phản ánh trong bài viết, có chú thích rõ ràng.

Các bài dự thi gửi về tòa soạn phải ghi rõ tiêu đề "Bài dự thi "Ký ức Tết trong tôi" của báo Dân Việt, trong đó ghi rõ họ tên, tuổi, số CMT hoặc CCCD, địa chỉ (rõ ràng để có thể liên hệ), số điện thoại và tài khoản ngân hàng. Trong trường hợp tác phẩm được đăng tải, Tòa soạn có thể gửi nhuận bút cho các tác giả ở xa thuận lợi nhất.

Ban Tổ chức sẽ lựa chọn những bài viết chất lượng nhất để đăng tải trên báo điện tử Dân Việt, sau đó tiến hành chấm giải với những bài được đăng và làm lễ trao giải sau Tết. Các bài đoạt giải sẽ được công bố trên báo điện tử Dân Việt.

No comments

Trung Tam Day Nghe Toc | Day Nghe Toc Gia Re | Hoc Cat Toc Ha Noi | Day Cat Toc Gia Re | Hoc Cat Toc | Hoc Cat Toc Co Ban | Hoc Vien Toc | Hoc Vien Toc Ha Noi | Day Cat Toc Nam Ha Noi | Day Cat Toc Nu Ha NoiDay Cat Toc Gia Re | Học Viên Tóc Hà Nội | Học Cắt Tóc Tại Hà Nội | Nên Học Cắt Tóc Ở Đâu | Địa Chỉ Dạy Cắt Tóc | Trung Tam Day Nghe Toc Tai Ha Noi | Truong Day Cat Toc Ha Noi | Hoc Cat Toc Nam O Ha NoiHọc Cắt Tóc Ở Hà Nội | Dạy Nghề Uy Tín | Học Nghề Cắt Tóc Ở Đâu | Học Viên Tóc Hà Nội | Học Cắt Tóc Uy Tín Hà Nội | Hoc Cat Toc Chi Phi Thap | Day Cat Toc Co Ban Ha Noi