Cầu kỳ ăn và chơi Tết Hà Nội
Vì sao tết Hà Nội có nét riêng? Ấy là vì trong gần 800 năm Hà Nội là kinh đô. Năm 1902, thực dân Pháp lại chọn Hà Nội làm thủ phủ của Liên bang Đông Dương và sau đó Hà Nội là thủ đô của Việt Nam. Là kinh đô, thủ đô nên Hà Nội không chỉ là trung tâm chính trị mà còn là trung tâm kinh tế, văn hóa vì thế tư duy cũngkhác với tư duy sản xuất nông nghiệp.
Đặc sắc, tinh tế mâm cỗ tết
Nét riêng trong ăn tết ở Hà Nội cụ thể là thế nào? Xưa Tết Nguyên đán còn gọi là tết cả, tết lớn nhất so với các tết trong năm. Người Việt nói ăn tết bao hàm nhiều thứ nhưng ăn được coi trọng nhất và ăn biểu hiện qua mâm cỗ tết. Tết thì ở đâu chả có cỗ, nhà dù nghèo cũng phải có mâm cỗ, trước cúng tổ tiên, sau là con cháu thụ lộc. Lâu nay người ta cho rằng nhà giầu ăn tết to, thực ra không hẳn như vậy, to hay nhỏ phụ thuộc vào tính cách.
Nói về dân chúng Hà Nội Vua Tự Đức phải thốt lên "Kiêu bạc, xa xỉ, phóng khoáng", sự xa xỉ biểu hiện rõ qua cỗ tết. Cỗ tết Hà Nội xưa phải có đủ sản vật ngon của ba vùng.
Nói về dân chúng Hà Nội vua Tự Đức phải thốt lên "Kiêu bạc, xa xỉ, phóng khoáng", sự xa xỉ biểu hiện rõ qua cỗ tết. Cỗ tết Hà Nội xưa phải có đủ sản vật ngon của ba vùng.
Nấm hương, mộc nhĩ, măng lưỡi lợn của vùng rừng núi; gà trống thiến, thịt lợn chế biến ra các món, các loại rau củ của vùng đồng bằng và mực khô, vi cá, tôm và bát nước mắm ngon của vùng biển. Từ sản vật ngon, các gia đình đã chế biến ra các món, nhà có nghèo thì mâm cỗ tối thiểu cũng phải có 4 bát, 6 đĩa. Tuy nhiên thời bao cấp, mâm cỗ tết Hà Nội thiếu vắng nhiều món dù các gia đình cố gắng xoay xỏa.
Xưa, cỗ tết Hà Nội có 4 bát tuy không bắt buộc nhưng thường gồm: Canh măng nấu với chân giò lợn, bóng nấu với tôm he, bát mực xé, nấm thả; còn 6đĩa gồm: Thịt gà, giò lụa, xào, xôi gấc, đĩa cá trắm kho, trứng muối. Tất nhiên không kể đĩa dưa hành và bánh chưng. Sự cầu kỳ ngay từ nguyên liệu, ví dụ măng phải là măng lưỡi lợn, cá kho được coi là món đầu vị phải là cá trắm đen như nhung the ở hồ Tây.
Không chỉ cầu kỳ chọn nguyên liệu, chế biến cỗ tết cũng rất mất công và tỉ mẩn. Đĩa xào dù nhị sắc hay tam sắc thì các loại củ, quả phải xắt (thái) hình vuông hay hình chữ nhật. Xưa cỗ tết nhiều nhàcó bát mọc vân ám. 5 viên mọc được nhuộm 5 màu khác nhau bằng thảo mộc tượng trưng cho ngũ hành: Kim. Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Các viên mọc được bọc bởi thứ "thạch" trong suốt. Để có thứ "thạch" này người ta ninh xương lợn cùng với bì cho đến khi nước cô lại thành "thạch" rồi phủ lên bát mọc, sau đó úp ngược sang bát khác tạo ra bề mặt lồi rất thẩm mỹ.
Ngày nay nhiều thủ tục trong ngày tết đã giảm, ăn uống tuy vẫn cầu kỳ nhưng mâm cỗ không còn chật níc. Nhiều gia đình chọn ngày tết để du lịch nước ngoài. Tết ở Hà Nội có vẻ đang dần nhẹ hơn nhưng xa xỉ dường như lại tăng lên.
Các món ăn cũng phải trình bày sao cho đẹp mắt, đĩa thịt gà chặt xong sẽ úp ngược sang đĩa khác để lộ phần da vàng bóng và dứt khoát phải có lá chanh thái nhỏ rắc bên trên. Mâm bày cỗ phải là loại mâm gỗ sơn son, thếp vàng chỉ dùng vào dịp tết, hết tết thì cất đi. Quan niệm "ăn ở như bát nước đầy"cũng thể hiện khi múc bát canh, đơm đĩa xôi, xếp thịt gà vào đĩa, đầy đặn nhưng không ú hụ.
Thanh tao thú chơi…
Không chỉ ăn tết, Hà Nội còn chơi tết. Chơi tết trở thành cái thú của cả kinh thành. Chơi câu đối, chơi chữ, chơi hoa. Xưa nhà nào cũng có đôi câu đối đỏ treo ở hai bên cửa, theo quan niệm phương Đông để ngăn ma quỉ không cho vào nhà. Ngày tết, các nhà Nho viết chữ treo cạnh bàn nước, khách đến nhâm nhi chén rượu sen Thụy Khuê bình chữ vô cùng tao nhã.
Thế kỷ XIX, trước tết các ông đồ ra phố Hàng Bồ trải chiếu bán câu đối, bán các bức đại tự viết sẵn nên còn gọi là "phố chữ". Ai không thích chữ viết sẵn thì trình bày nguyện vọngrồi nhờ các ông đồ tìm chữ phù hợp.
Người Hà Nội có thú chơi hoa. Chợ hoa tết có từ thời Lê,cạnh Cầu Đông bên dòng Tô Lịch xanh trong. Cuối thế kỷ XIX, chợ hoa chuyển ra phố Hàng Lược và tồn tại cho đến ngày nay. Chợ nhóm họp từ ngày 23 tháng Chạp và kết thúc trước giao thừa. Chợ bán đủ các loại hoa và người ta xúng xính quần áo đẹp đến chợ mua hoa cũng là đi chơi tết.
Những gia đình nền nếp thích cắm cúc trong ngày xuân bởi cúc tượng trưng cho tính khiêm tốn, điềm đạm. Mẫu đơn được nhiều nhà Nho khẳng khái ưa trưng bởi mẫu đơn không chỉ đẹp mà còn là loài hoa thà chịu cảnh phong trần lưu lạc, nhất quyết không chịu tù hãm trong vườn. Trà mi, hải đường cánh to và dày có mùi hương thì thầm, kín đáo biểu tượng của phúc hậu, nên các gia đình mua cắm trên ban thờ và trưng ở bàn tiếp khách. Trong "Vũ trung tùy bút", nhà Nho Phạm Đình Hổ viết: "Chơi hoa với người Thăng Long không chỉ là chuyện bình thường mà mượn hoa, cây cảnh để nói lên đạo làm người, nói cách khác chỉ cần nhìn người chơi hoa cũng có thể biết nhân phẩm, tiết tháo của người ấy. Trong cách chơi vẫn ngụ cái ý về thế giáo thiên luân. Vậy nên mượn khóm hoa, tảng đá để ký thác hoài bão cao cả".
Khi thực dân Pháp xâm lược đã cho lập vườn thực vật, ươm các giống hoa ôn đới thì Hà Nội bắt đầu chơi thêm các loại hoa Tây. Nhưng dù chơi hoa gì cũng không thể thiếu cành đào vì màu đỏ theo quan niệm phương Đông là màu của sự tái sinh và may mắn. Người mong muốn gia đình đoàn viên họ phải chọn được cành có thế long giao, người muốn trên ấm dưới yên thì chọn thế phụ tử. Thời bao cấp khó khăn nhưng Hà Nội vẫn không bỏ thú chơi hoa, hoa làm cho căn phòng ấm áp, khí dương tràn trề.
Khi Việt Nam thực hiện đổi mới, kinh tế đất nước dần tốt lên đã xuất hiện tầng lớp trung lưu và tầng lớp này ngày càng đông nên ăn tết, chơi tết cũng khác. Tết ở Hà Nội ngày nay theo xu hướng "Ăn đi xuống, uống đi lên". Xưa "Đói quanh năm, no 3 ngày tết" thì nay giò, chả, bánh chưng bán quanh năm, món canh bóng, canh mọc cũng không thiếu. Rượu nút lá chuối vẫn còn nhưng nhà nghèo cũng có thùng bia, gàu thì đãi khách bằng vang Chi Lê, Úc, Pháp…hay Whiski.
Người Hà Nội vẫn duy trì thú chơi hoa nhưng quan niệm đã khác, nhiều người săn lùng các loại hoa có màu sắc lạ, dáng thế độc coi đó là thứ khoe với khách. Có người còn đưa nhiều loại cây, hoa vào phòng lấy đó làm niềm vui vì nhà có "vườn xuân".
Thú chơi câu đối gần như không còn song thú chơi chữ đã sống lại. Ở khu vực Hồ Văn trước Văn Miếu-Quốc Tử Giám, trước và sau tết có chợ chữ vô cùng đông đúc. Không chỉ viết chữ Hán, chữ Nôm, nhiều ông đồ còn viết chữ quốc ngữ theo lối thảo trông như bức họa rất thú vị.
No comments