Những cú "tuýt còi" quyền lực khiến sao Hoa ngữ "tiêu tan sự nghiệp"
"Tuýt còi" văn hóa "tôn thờ thần tượng"
Những show tìm kiếm tài năng ca hát, tìm kiếm thần tượng mới cho giới trẻ sẽ vắng bóng trên các phương tiện giải trí tại Trung Quốc trong thời gian tới đây, sau hoạt động chấn chỉnh của nhà chức trách tại quốc gia tỷ dân.
Hiện tại, một nền tảng cung cấp nội dung giải trí trực tuyến nổi tiếng tại Trung Quốc đã chính thức tuyên bố rằng họ sẽ ngừng sản xuất tất cả các chương trình tìm kiếm thần tượng âm nhạc. Nguyên nhân được đưa ra là bởi những chương trình dạng này đang bộc lộ những khía cạnh tiêu cực, không lành mạnh cho đời sống văn hóa - tinh thần của giới trẻ tại Trung Quốc.
Động thái này được thực hiện giữa bối cảnh nhà chức trách tại Trung Quốc đang tiến hành nhiều hoạt động "thanh lọc" trong giới showbiz Hoa ngữ, đặc biệt là với những ngôi sao nổi tiếng vốn được xem là "thần tượng của giới trẻ" nhưng lại có đời tư sa ngã, vướng vào các lùm xùm bê bối, có hành vi vi phạm pháp luật.
Hiện tại, nhà chức trách Trung Quốc cũng đang lên án những đơn vị sản xuất chương trình giải trí tại quốc gia này vì trong suốt một thời gian dài đã nuôi dưỡng "văn hóa tôn thờ thần tượng" trong giới trẻ lên tới mức độ lệch lạc.
Gần đây, văn hóa "tôn thờ thần tượng" trong một bộ phận giới trẻ Trung Quốc đã bộc lộ ra những khía cạnh lệch lạc, khi fan tôn thờ thần tượng thái quá, làm mọi việc vì lợi ích của thần tượng, bất chấp đúng sai. Chính vì vậy, nhà chức trách đang "chấn chỉnh" hàng loạt thần tượng tại Trung Quốc.
Mới đây nhất, mức độ phủ sóng của các ngôi sao trên môi trường mạng xã hội tại Trung Quốc cũng đang trải qua một cuộc chấn chỉnh, khi những bảng xếp hạng thần tượng trên các nền tảng này cũng đã bị nhà chức trách loại bỏ.
Đầu tuần này Ủy ban Đạo đức Nghề nghiệp thuộc Liên hiệp Văn nghệ sĩ Trung Quốc cũng đã tổ chức hội thảo tại Bắc Kinh, để đưa ra đề xuất về việc tạo nên một bộ quy tắc đạo đức và nghề nghiệp để làm định hướng tự rèn luyện, tự chấn chỉnh cho các nghệ sĩ trong showbiz Hoa ngữ.
Trong tháng 8, Tổng cục Phát thanh - Truyền hình Trung Quốc tuyên bố rằng hoạt động tẩy chay nghệ sĩ vướng scandal là việc làm cần thiết để thanh lọc showbiz, tạo nên một giới giải trí lành mạnh.
Trong giới sao Hoa ngữ hiện nay, hàng loạt ngôi sao đang bị điều tra, bị ngừng mọi hoạt động và nhiều khả năng sẽ tiêu tan sự nghiệp trong lĩnh vực giải trí, có thể kể tới những cái tên như Ngô Diệc Phàm, Trương Triết Hạn, Trịnh Sảng...
Kể từ năm 2018, án phạt dành cho tội trốn thuế của Phạm Băng Băng đã là một minh chứng rõ nhất cho showbiz Hoa ngữ thấy tác động của lệnh trừng phạt đối với nghệ sĩ bị dính bê bối.
Mới đây nhất, Triệu Vy chính là ngôi sao tiếp theo có dấu hiệu bị phong tỏa hoạt động trong showbiz khi các thông tin về nữ diễn viên trong các dự án phim, các chương trình cô từng tham gia bỗng nhiên biến mất hàng loạt.
"Tuýt còi" phim cổ trang
Phim cổ trang từ lâu đã là một phần quan trọng trong đời sống giải trí của khán giả Trung Quốc, với phim kiếm hiệp, phim xuyên không, phim cung đấu... Kể từ năm 2012, nhà chức trách tại Trung Quốc đã bắt đầu siết chặt quy định về thời lượng chiếu phim cổ trang trên các đài truyền hình ở quốc gia này.
Theo đó, tổng thời lượng dành cho phim cổ trang không được quá 15% tổng thời lượng các chương trình của nhà đài. Chính vì vậy, hoạt động sản xuất phim cổ trang dần chuyển sang các nền tảng trực tuyến bởi cách thức hoạt động của các nền tảng này vốn khác với các nhà đài tại Trung Quốc.
Trong vài năm trở lại đây, phim cung đấu (các cung tần đấu đá nhau chốn hậu cung) gây sốt mạnh với khán giả Trung Quốc. Đến tháng 3/2019, các nền tảng trực tuyến cũng bắt đầu bị "tuýt còi". Có những thời điểm, hoạt động sản xuất và trình chiếu các phim cổ trang trên nền tảng trực tuyến tại Trung Quốc bị ngưng trệ.
Những tờ báo chính thống tại Trung Quốc đã nhiều lần chỉ ra những mặt trái của phim cổ trang và đặc biệt là dòng phim cung đấu đối với đời sống xã hội, khi khiến một bộ phận khán giả trở nên "hoài cổ", chìm đắm trong thế giới không có thật, làm suy thoái tư tưởng, lối sống của những người "đam mê" dòng phim này.
Sau đó, Tổng cục Phát thanh - Truyền hình Trung Quốc đã làm việc với các nền tảng giải trí trực tuyến hàng đầu tại Trung Quốc, yêu cầu các đơn vị này phải xem xét lại "liều lượng" sản xuất phim cổ trang để cân đối với các nội dung giải trí mà họ sản xuất, tránh việc quá sa đà vào dòng phim cung đấu nói riêng, phim cổ trang nói chung.
Kể từ đó, các dự án phim cũng như các chương trình giải trí do các nền tảng trực tuyến tại Trung Quốc sản xuất cũng cần phải được nhà chức trách thông qua trước khi chính thức đưa vào sản xuất.
"Tuýt còi" nghệ sĩ quảng cáo sản phẩm kém chất lượng
Cuối thập niên 2000, các ngôi sao giải trí Hoa ngữ bắt đầu được các thương hiệu săn đón để mời đóng quảng cáo một cách rầm rộ. Khi đó, trào lưu kiếm tiền từ hoạt động quay quảng cáo là việc rất quen thuộc đối với nhiều ngôi sao nổi tiếng.
Thù lao nhận về không nhỏ, công việc không nặng nhọc, vất vả, không tốn thời gian, khiến nhiều ngôi sao chẳng cân nhắc nhiều mà luôn gật đầu đồng ý mỗi khi có lời mời đóng quảng cáo.
Nguy hại nhất trong các thể loại quảng cáo chính là quảng cáo dược phẩm kém chất lượng. Mời được những ngôi sao nổi tiếng xuất hiện trong quảng cáo, nhiều nhãn hàng dược phẩm chiếm được lòng tin của người tiêu dùng, gây nên những hệ lụy về sức khỏe cho người tiêu dùng.
Trước tình trạng "bát nháo" khi nghệ sĩ nhận lời đóng quảng cáo tràn lan, tháng 5/2009, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án tối cao Trung Quốc công bố quy định xử phạt đối với những nghệ sĩ tham gia quảng cáo cho các loại dược phẩm kém chất lượng.
Theo đó, trách nhiệm của nghệ sĩ là phải tìm hiểu nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm, xem sản phẩm mình định nhận quảng cáo đã có đủ các giấy tờ do cơ quan chức năng cấp chưa, đã được xác nhận về công dụng, đã vượt qua khâu thẩm định chất lượng và được phép lưu hành chưa.
Một khi sản phẩm do nghệ sĩ quảng cáo bị kết luận là sản phẩm kém chất lượng, nghệ sĩ sẽ bị liên đới, bị xử phạt cùng với nhãn hàng tung ra sản phẩm ấy.
Theo nhà chức trách, việc quảng cáo cho sản phẩm kém chất lượng chính là một sự đồng lõa và có thể bị xử phạt theo luật hình sự tùy theo mức độ nghiêm trọng của sự việc.
Sau động thái mạnh của nhà chức trách, các nghệ sĩ tại Trung Quốc liền nhìn nhận hoạt động đóng quảng cáo một cách nghiêm túc hơn.
Cho tới tận hôm nay, những quy định về hoạt động đóng quảng cáo trong giới sao Hoa ngữ vẫn tiếp tục phát huy tác dụng, chấm dứt hiện tượng nghệ sĩ nhận lời đóng quảng cáo tràn lan mà không quan tâm tới chất lượng sản phẩm mình đang quảng cáo.
No comments