Nhật ký giãn cách: Mùa dịch
Hồi ấy tôi còn bé lắm, cho đến tận bây giờ đằng đẵng mấy chục năm, chưa bao giờ tôi đặt câu hỏi: Tại sao hôm ấy mẹ lại kể với tôi? Bởi, mỗi năm mỗi lớn thì câu chuyện của mẹ có lẽ chỉ để dọa chúng tôi, những đứa trẻ con đang tuổi nghịch ngợm, lang thang suốt ngày không từ một ngõ ngách nào trong làng. Nếu điều mẹ kể là có thật thì đó cũng chỉ là tiếng vọng của tiềm thức trong lịch sử làng. Xa lắm rồi…
Mẹ tôi kể: Năm ấy, làng tôi - làng Mông Phụ, tổng Cam Giá Thịnh (nay là xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, TP. Hà Nội) bị một đại dịch… Không dưng người trong làng tự nhiên da cứ vàng bủng, rồi thân thể đâm phù thũng, mấy hôm như thế là lăn ra chết. Dân làng bảo: Năm nay, Quan Ôn lại đi bắt người! Từ hôm ấy nhà nào nhà nấy, giữa ban ngày ban mặt mà cửa nhà ai cũng đóng im ỉm! Sau mấy tháng dịch dã tràn qua, trong làng vãn cả người...
Tôi hỏi lại: Sao Quan Ôn lại đi bắt người hả mẹ?. Mẹ tôi bảo: Chắc là dân làng đã làm điều gì không phải, thần linh nổi giận nên mới ra nông nỗi này. Câu chuyện vô tình ấy làm tôi rất sợ. Tôi nhớ năm ấy tôi tròn năm tuổi.
***
Từ bấy đến nay, dân làng tôi yên ổn lắm ngoại trừ một trường hợp cách đây mấy chục năm Quan Ôn lại về làng, song lần này không bắt người mà là bắt gia súc. Tôi lên mười, được chứng kiến không thấy sợ mà lại thấy rất bi hài. Năm ấy quãng 1968, chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ nên bom đạn ùng oàng. Trong lúc, nông thôn miền Bắc đang căng sức "tay cày tay súng" để chi viện cho miền Nam thì trâu bò tự nhiên lăn ra chết. Bộ phận thú y của hợp tác xã (HTX) đến khám nghiệm rồi quyết định phải chôn. Trong lúc đói khổ như thế mà con trâu nặng bốn, năm tạ lại mang đi lấp đất. Thật là phí phạm!
Tôi nhớ mãi việc chôn con trâu của một gia đình đầu xóm. Hôm những người thợ cày khênh được con trâu lên xe bò cải tiến chở đi, tôi theo ra tận bờ sông Tích. Đào hố xong, vôi bột được rắc xuống rồi rắc đầy lên mình trâu trước khi lấp đất… Hợp tác xã cử người canh gác cần thận. Sáng hôm sau đi học, tôi nhận thấy quần áo, mồm miệng mấy đứa trong xóm toàn mùi thịt trâu. Tôi hỏi, đứa nào cũng tủm tỉm cười. Sau này tôi biết, tối hôm đó mấy người ban ngày chôn, ban đêm ra bới lấy thịt trâu mang về.
Tôi đem việc này hỏi chú tôi, ông bảo: Mấy tay thú y có biết gì về trâu bò. Chúng bị chết là do mắc bệnh lở mồm long móng. Dân cày chúng tao ai cũng biết cách chữa. Đơn giản lắm, chỉ có lá khế vò nhàu và nước vôi trong mang bôi vào mồm, vào móng… vài ngày là khỏi. Nhưng cứ để cho chúng chết còn có tí thịt mà bỏ vào mồm. Trâu bò của HTX, chẳng của ai cả!
Mấy tháng sau làng tôi có nguy cơ không đủ sức kéo để hoàn thành diện tích cày cấy. Trước tình thế ấy, "trên" điều người về mới lòi ra mấy tay thú y dốt! Dân làng kháo nhau: Chúng nó có dốt đâu, chẳng qua là cũng muốn kiếm chác tí! Chẳng biết đường nào mà lần…
***
Chuyện Quan Ôn đi bắt người, bắt lục súc lâu ngày cũng chìm đắm trong những tất bật thường nhật. Vậy mà năm nay 2020, sau Tết Nguyên đán lệnh của cơ quan quản lý các cấp đưa về, mọi lễ hội đều phải hoãn lại vì dịch Covid-19. Lệnh trên như thế nhưng xem ra làng tôi còn mơ hồ lắm. Cuộc sống vẫn diễn tiến như thường ngày vẫn vậy… Mãi cho đến mùng 3 tháng Ba thì nỗi lo lắng đã hiển hiện.
Thường niên, mùng 3 tháng Ba năm nào dân làng Mông Phụ cũng phải khiêng bằng được quả chuông đồng (nặng mấy tạ) từ đình làng ra chùa Ón (Ôn Hòa tự) – một ngôi chùa ngay đầu làng làm lễ. Lễ vật đơn giản, chỉ có cháo loãng múc đổ đầy các bù đài lá đa cắm vòng quanh chùa cúng cô hồn. Duy chỉ có một thứ không thể thiếu được là hội vật. Những năm đói kém, chiến tranh… hội không tổ chức được. Gạo không có để nấu cháo "khao quân", vẫn không thể thiếu vật được. Không có đô nào tham gia, thì hai ông già (có khi là thủ từ đình làng) cũng phải nổi một hồi chuông cho hai cụ "vật cái" lấy… "hèm" làng mới yên được!
Thế mà năm nay… không có gì cả!
Vốn là người lười vận động, tôi có thể ngồi lì ở nhà hàng tháng trời. Nhiều khi vợ con lo lắng hay tôi bị… thế nào! Tôi không sao cả, tôi có thể ngồi ở cái góc ghế tràng kỷ cả ngày và ngày này qua ngày khác. Mọi người cứ tưởng tôi buồn bã hay suy nghĩ điều gì. Chẳng có gì phải để tôi phân tâm, những lúc như thế tôi có thế giới của riêng tôi. Phải chăng, đó sự cần thiết của người sáng tác nếu tôi có một chút gì đó để mọi người nhớ được thì sự khởi đầu là như thế, "cô đơn" là bạn đồng hành.
Vậy mà tôi không thể nào chịu đựng được một ngôi làng như thế. Những ngày này làng tôi không có người. Có thể ngay cả những người giàu sức tưởng tượng nhất cũng không có kịch bản này! Câu chuyện ngày nao mẹ kể giờ bỗng trở thành sự thật. Ngày ấy… khi cả nhà đi làm, tôi ngóng ra ngoài ngõ vắng rồi đóng chặt cửa, tôi tưởng tượng ra có một ông Quan Ôn mặt xanh lét, đầu đội mũ cánh chuồn, chân đi hia đen, tay cầm một cái "hốt" bằng ngà voi và theo sau là một lũ "đầu yêu, đầu tạ" đi lùng sục các ngõ, rồi từng nhà để bắt người.
Làng tôi hôm nay, một ngôi làng đông đúc dân cư, mấy năm nay lại là làng du lịch mà hôm nay đình làng không một bóng người. Cái sân đình mênh mông mang lại cảm giác rờn rợn. Đường làng heo hút, cửa nhà nào cũng im ỉm đóng. Tôi như đang bị lạc vào một cái làng… ma!
***
Cả nước với tinh thần chống dịch "ai ở đâu, ở yên đó"... Chẳng hiểu sao tôi cứ lẩn thẩn nghĩ: Lúc này Quan Thần Ôn không chỉ đi một làng, một xã, một khu vực… Cả thế giới đang đứng trước một đại dịch khủng khiếp chưa từng có trong tiền lệ. Vẫn biết rằng, bệnh tật luôn luôn và bao giờ cũng song hành với sự sống. Khoa học càng phát triển thì bệnh tật ngày càng hiểm nghèo hơn. Đó là sự thống nhất trong một thực thể, vừa đúng với mỗi cá nhân và muôn mọi dạng tồn tại của vật chất... Vậy nhưng đã trót làm người, với tư cách là một con người có tri giác, ai là người tránh khỏi một nỗi lo.
Nhật ký giãn cách: Những ngày đang sống – nơi đăng tải những câu chuyện, những suy nghĩ, những cảm xúc của mỗi người về những ngày đang sống giữa đại dịch Covid-19. Thư xin gửi về: camthuydv.ntnn@gmail.com
No comments