Giới chức Trung Quốc kêu gọi nghệ sĩ tự tu thân, sống ngay thẳng
Tu thân, ngay thẳng và giữ tâm hồn trong sạch
Mới đây, sau một ngày kể từ khi nữ diễn viên Triệu Vy bị “phong sát ngầm”, Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc đã chia sẻ thông điệp của giới chức nước này đối với người làm trong lĩnh vực văn học - nghệ thuật. Theo đó, lý tưởng các nghệ sĩ cần phải theo đuổi là nghệ thuật đích thực, các tác phẩm chất lượng.
“Khán gỉả thích lắng nghe nghệ sĩ trên những tác phẩm được họ trau chuốt kỹ lưỡng chứ không phải những lời bàn tán tầm phào và “trendy” được hỗ trợ bởi ngoại hình”, Đài CCTV nhấn mạnh.
Ngày 24/8, Hội nghị chuyên đề có tên "Tu thân, ngay thẳng và giữ tâm hồn trong sạch về đạo đức nghề nghiệp và xây dựng phong cách của nghệ sĩ thuộc Liên đoàn văn học và nghệ thuật Trung Quốc" đã được tổ chức tại Bắc Kinh với sự tham gia của nhiều nhà văn hóa, nghệ sĩ gạo cội.
Hội thảo đã tiến hành thảo luận và trao đổi về các vấn đề văn hóa Trung Quốc trong thời gian gần đây, đặc biệt nhấn mạnh vào hiện tượng người hâm mộ thần tượng quá khích và lý tưởng hóa nghệ sĩ. Bên cạnh đó, các nhà văn hóa, nghệ sĩ cũng bày tỏ sự kiên quyết xử lý các vấn đề phi đạo đức trong hoạt động văn học nghệ thuật mà đối tượng chính là các nghệ sĩ.
Cũng tại hội nghị, đại diện các nghệ sĩ đã phát hành cuốn sách “Tu thân, ngay thẳng và giữ tâm hồn trong sạch cho người lao động văn học, nghệ thuật”. Trong đó khẳng định, người làm nghệ thuật phải cần cù trong học tập, cẩn thận sáng tạo, trau dồi kiến thức suốt đời. Con đường tìm kiếm sự nổi tiếng của các nghệ sĩ trẻ cần được tái cấu trúc để ngành công nghiệp này bớt hỗn loạn, đáp ứng kỳ vọng của công chúng.
Theo thông báo từ đài CCTV, từ ngày 25 tới ngày 28/8, hàng loạt Hiệp hội nghệ thuật Trung Quốc như Hiệp hội Âm nhạc Trung Quốc, Hiệp hội Sân khấu Trung Quốc, Hiệp hội Điện ảnh Trung Quốc, Hiệp hội Truyền hình Trung Quốc... đã tổ chức các hội nghị chuyên đề để bình luận về các hiện tượng vi phạm pháp luật, trái đạo lý của người làm văn học nghệ thuật, từ đó nghệ sĩ phải giữ gìn trách nhiệm, là tấm gương cho công chúng.
Liu Zhibing, diễn viên gạo cội của nền điện ảnh Trung Quốc, chia sẻ với CCTV rằng, nền giải trí Trung Quốc đang thể hiện sự nguy hại của nó với xã hội.
Ông chia sẻ, trước những vụ việc đau lòng xảy ra gần đây trong ngành, những nghệ sĩ già cùng thế hệ cảm thấy vô cùng đau lòng. Trước đây, giới nghệ sĩ rất nể phục nghề diễn viên. Họ cho rằng đây là "ngôi đền" của nghệ thuật, thậm chí luôn sợ hãi trình độ của mình không đạt sẽ làm mất danh tiếng của ngành.
"Giới nghệ sĩ ngày nay hầu như không có tự trọng. Trình độ của họ không cao và chỉ quan tâm đến việc kiếm tiền. Nhiều nghệ sĩ trẻ có rất nhiều vụ bê bối nhưng lại không có nổi một tác phẩm ra hồn", Liu Zhibing khẳng định.
Diễn viên sinh năm 1963 này chỉ ra rằng lao động văn học nghệ thuật là một nghề rất đặc biệt, có sức ảnh hưởng lớn tới xã hội. Ông tin rằng mấu chốt của vấn đề nằm ở việc nâng cao phẩm chất - đạo đức của người nghệ sĩ sẽ giúp cải thiện tình hình của ngành giải trí Trung Quốc.
Mạnh tay dọn dẹp nền giải trí hỗn loạn
Không khó để nhận ra Chính phủ Trung Quốc đang cố gắng đưa nền giải trí nước này "vào khuôn khổ", hàng loạt những hành động nhanh, gọn đối với các ngôi sao có vấn đề về đạo đức, lối sống tha hóa đã nhận được không ít sự ủng hộ của netizen nước này.
Vào tháng 3 năm nay, Cục Quản lý Nhà nước về Phát thanh, Điện ảnh và Truyền hình đã công bố "Luật của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về Phát thanh và Truyền hình (Dự thảo để lấy ý kiến)", trong đó đề cập rằng: "Nếu những ngôi sao chương trình phát thanh và truyền hình gây ra tác động xấu tới xã hội do vi phạm pháp luật hoặc các quy định cụ thể, cơ quan phát thanh và truyền hình có thể hạn chế việc phát sóng các chương trình có liên quan ".
Vào đầu tháng 8, Cục Quản lý Phát thanh và Truyền hình Nhà nước đã mở một cuộc điều tra đặc biệt và chấn chỉnh các chương trình game show, yêu cầu kiểm soát chặt chẽ các chương trình phát triển thần tượng. Trong đó, Cục này nhấn mạnh: "quản lý chặt chẽ hơn nữa là chính trách nhiệm của các cơ sở sản xuất và phát sóng chương trình game show".
Vào ngày 20/8, nhóm nhạc thần tượng "Phanda Boys" chính thức ra mắt công chúng với một sản phẩm đĩa đơn. Điều đáng ngạc nhiên là trong số 7 thành viên của đội, người nhỏ nhất 7 tuổi và người lớn nhất mới 11 tuổi.
Trước phản ứng của công chúng và giới chức Trung Quốc về độ tuổi quá nhỏ của nhóm nhạc này, Công ty chủ quán ASE Asia Star Entertainment trả lời rằng, họ không sử dụng trẻ em như một công cụ kiếm tiền mà là ươm tạo một thế hệ hình mẫu thanh niên mới.
Nhưng những lời giải thích này cũng không xua tan được những nghi ngờ của cư dân mạng. Vào chiều ngày 24/8, Văn phòng Giáo dục Thành Đô đã bày tỏ sự lo lắng về việc này. Vào tối ngày 24, công ty thông báo rằng, họ sẽ giải tán nhóm từ bây giờ, bên cạnh đó sẽ xử lý nghiêm túc các hoạt động sau này của công ty.
Hồi giữa tháng 8, Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc (CAC) nêu 10 lĩnh vực cần chấn chỉnh trong cộng đồng người hâm mộ. trước đó đã đưa ra nêu 10 lĩnh vực cần chấn chỉnh trong cộng đồng người hâm mộ. Trong đó, hai điểm chính được nhấn mạnh đó là yêu cầu chính quyền các địa phương hủy bỏ tất những hình thức xếp hạng người nổi tiếng và thắt chặt kiểm soát các cơ quan quản lý, quảng bá hình ảnh cho người nổi tiếng.
Một số nghệ sĩ không có tác phẩm nghệ thuật giá trị lại dựa vào thứ hạng, lưu lượng truy cập, số liệu để giành quyền lực trong làng giải trí trong một thời gian dài. CAC cho rằng, điều này ảnh hưởng xấu tới toàn ngành và có tác động tiêu cực đến các giá trị xã hội.
Bên cạnh đó, cộng đồng người hâm mộ trực tuyến cũng phải được các công ty, đơn vị liên quan đến người nổi tiếng chấp thuận về mặt pháp lý. Mặt khác, CAC quy rõ trách nhiệm của các ngôi sao hoặc các đơn vị đứng phía sau ngôi sao phải chịu trách nhiệm với các hoạt động của cộng đồng người hâm mộ. Điều này được cho là để ngăn chặn việc "phủi tay", hoặc làm ngơ của thần tượng trước các "cuộc chiến" giữa những cộng đồng người hâm mộ các ngôi sao khác nhau.
Các cơ quan quản lý nghệ thuật Trung Quốc có động thái mạnh mẽ để thanh lọc giới giải trí nhận được sự ủng hộ của nhiều nghệ sĩ và công chúng. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có những ý kiến cho rằng việc thanh lọc đang diễn ra quá "gắt". Netizen xứ Trung lấy ví dụ việc xóa bỏ bộ phim Hoàn Châu Cách khỏi các nền tảng trực tuyến ảnh hưởng tới cả một tập thể làm phim chứ không chỉ riêng Triệu Vy, điều này gất bất công bằng đối với các nghệ sĩ trong sạch.
No comments