“Nơi gặp gỡ tình yêu” của Thanh Lam: Nhạc đỏ không mới nhưng đáng nghe
Thanh Lam gây bất ngờ với cả người nghe cũng như giới truyền thông khi ra mắt album đôi “Nơi gặp gỡ tình yêu” ngay khi dịch bệnh Covid-19 vừa được khống chế ở Việt Nam được gần 2 tháng.
Chị chia sẻ rằng đây là dự án đã ấp ủ trong 2 năm trời và để chốt được một album đôi với 15 ca khúc như thế này, Thanh Lam cùng cặp nhạc sĩ phối khí thân thiết Thanh Phương – Lưu Hà An đã thu đi thu lại, chọn rồi bỏ một số lượng ca khúc lớn hơn thế. Nhưng ngược lại, có những bài như “Ở hai đầu nỗi nhớ” lại sử dụng đúng bản thu ngẫu hứng Thanh Lam hát với guitar của Thanh Phương, bản thu đầu tiên của ca khúc và cũng được chọn luôn vào đĩa bởi cả ca sĩ và nhạc sĩ phối khí đều… quá ưng!
Diva Thanh Lam. |
Đó chỉ mới là khâu biên tập nội dung. Một điểm khác biệt khác của album này với những sản phẩm âm nhạc ra thị trường hiện nay là hoàn toàn được thu âm trực tiếp với các nhạc cụ chứ không sử dụng nhạc cụ điện tử hay lạm dụng hiệu ứng phòng thu. Sự cầu kỳ đó chắc chắn “tốn” về tài chính với những bản phối có dàn dây hay nhiều nhạc cụ. Nhưng nó “tốn” hơn cả về công sức ghi âm bởi Thanh Lam biết chị đặt ra tiêu chí khá khắt khe cho đĩa nhạc này, nếu cảm thấy chưa ưng là thu lại.
Nhưng cái mà người nghệ sĩ và chính người nghe nhận lại được từ sự cầu kỳ đó chính là một sản phẩm có chất lượng thưởng thức chuẩn mực và cảm xúc đong đầy trong từng ca khúc.
“Nơi gặp gỡ tình yêu” không mới về âm nhạc. Mặc dù Thanh Lam chưa chính thức làm một album nhạc cách mạng nào nhưng chị đã hát dòng nhạc này trên sân khấu khá nhiều trong mấy thập niên sự nghiệp.
Bước ra từ thế hệ ca sĩ ưu tú của nhạc Việt sau chiến tranh, với nền tảng chuyên môn tốt lại thêm sự ảnh hưởng không nhỏ của người cha, nhạc sĩ Thuận Yến, khiến Thanh Lam thể hiện rất thành công các ca khúc như “Màu hoa đỏ”, “Tình em” hay “Nhạc rừng”… Chị cảm nhận và truyền tải được rõ nét cái tinh thần của những bài hát được ra đời trong thời kỳ đất nước chìm trong khói lửa chiến tranh.
Chất liệu không mới và những người đầu bếp cũng không sử dụng công thức chế biến quá mới mẻ cho “món ăn tinh thần”. Hai nhạc sĩ Thanh Phương và Lưu Hà An vốn cũng đã miệt mài với công việc đem đến những bản phối mới cho các ca khúc nhạc cách mạng đã quá quen thuộc và nổi tiếng. Một trong những “sân chơi” quen thuộc của họ chính là chương trình "Giai điệu tự hào" và trong liveshow của một số ca sĩ mấy năm qua.
Không mới nhưng “Nơi gặp gỡ tình yêu” vẫn là một sản phẩm đáng nghe bởi như đã nói ở trên, đã lâu nhạc Việt mới có một sản phẩm đầy đặn về cảm xúc và đã lâu, người yêu nhạc mới lại được đặt vào máy nghe một cặp CD của Thanh Lam.
Clip: "Ở hai đầu nỗi nhớ" trong album "Nơi gặp gỡ tình yêu"
Trong 4 diva nhạc Việt, “người chị cả” Thanh Lam luôn thể hiện một trường năng lượng rất mạnh trong giọng hát và khi bước lên sân khấu. Với những sản phẩm âm nhạc trong sự nghiệp, không ít giai đoạn, Thanh Lam cũng rất mạnh, thậm chí sẵn sàng “phá” hình ảnh và phong cách mình đã định vị trước đó trong lòng công chúng để thử cái mới mà không sợ sai, sợ nhầm. Đó có lẽ cũng là một cá tính riêng của Lam, khiến chị luôn giữ được lửa nghề dù trong những tình huống chỉ bước lên sân khấu hát 1-2 bài.
Nhưng trở lại với album mới nhất này, không khó nhận ra Thanh Lam hát với một tinh thần khác. Ở tuổi ngoài 50, người nghe thường sẽ tò mò cảm hứng của một giọng ca trong sản phẩm mới là gì nhiều hơn câu chuyện chị có sáng tạo, tìm tòi gì hơn không. Và với Thanh Lam trong “Nơi gặp gỡ tình yêu”, có lẽ đó là câu chuyện tình yêu của cha mẹ mình.
Chị đằm lại, tiết chế và hát với sự suy ngẫm nhiều hơn. Chị không quá phô diễn kỹ thuật thanh nhạc đã quá điêu luyện của mình hay dồn nén cảm xúc trong những nốt cao, những quãng chuyển giọng day dứt; Thanh Lam như vừa hát vừa hồi tưởng lại cuộc tình đẹp của những người đã sinh ra chị.
Thanh Lam đã đúng khi kể câu chuyện riêng của mình bằng những bản phối của Thanh Phương và Lưu Hà An. Họ gặp nhau trong cách tư duy về một sản phẩm thuần âm nhạc, thuần những giai điệu và ca từ đẹp được thể hiện bởi giọng hát và nhạc cụ với tiêu chí cao nhất là cảm xúc.
Với “Nơi gặp gỡ tình yêu”, Thanh Lam một lần nữa chứng minh chị vẫn còn rất nhiều dư địa về cảm xúc và cảm hứng làm nghề./.
No comments