Làm gì để tranh dân gian hồi sinh
Trước sự mai một, thất truyền và những thách thức, khó khăn của các dòng tranh dân gian trong đời sống đương đại hiện nay, nhiều hoạt động khôi phục, bảo tồn của các đơn vị, cá nhân tâm huyết đã được triển khai, góp phần tôn vinh giá trị và đưa tranh dân gian đến gần hơn với công chúng. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng để hoạt động này đạt hiệu quả bền vững cần phải có một giải pháp đồng bộ, đặc biệt là Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ tích cực để bảo tồn di sản này.
Tranh dâ gian hàng Trống. |
Nhiều năm nay, những dòng tranh dân gian Việt Nam như tranh Kim Hoàng, tranh gói vải… gần như biến mất hoặc cận kề với nguy cơ thất truyền. Việc phục hồi những dòng tranh này có thời gian tưởng như đã đi vào quên lãng. Nhưng nhờ nỗ lực của những người tâm huyết với nghệ thuật, những tác phẩm mang hồn cốt dân gian này đang dần trở lại gần hơn với công chúng.
Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế, ở làng tranh Đông Hồ, tỉnh Bắc Ninh đã xây dựng "Trung tâm văn hóa dân gian truyền thống" thành điểm tham quan quen thuộc của nhiều đoàn khách trong nước và quốc tế đến tìm hiểu tranh dân gian Đông Hồ. Hay như thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Hòa, Giám đốc Bảo tàng Gốm sứ tư nhân Hà Nội sau nhiều năm nghiên cứu, sưu tầm đã có 800 bức tranh dân gian các loại ở khắp 3 miền Bắc, Trung, Nam. Bà đã phối hợp thực hiện 2 triển lãm về tranh dân gian tại Hà Nội, xuất bản hai cuốn sách về tranh dân gian Kim Hoàng và tranh dân gian Hàng Trống. Đồng thời triển khai dự án phục chế các dòng tranh dân gian truyền thống, trong đó có tranh Kim Hoàng- một dòng tranh dân gian nổi tiếng của Hà Nội.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hòa, bên cạnh sự nỗ lực của nghệ nhân, cá nhân tâm huyết, để làm sống lại dòng tranh dân gian cần có hỗ trợ của Nhà nước về cơ chế chính sách để quảng bá, tiếp thị và tìm đầu ra cho sản phẩm tranh dân gian. Một cách làm đang được ưa chuộng và được nhiều nước thực hiện đó là vẽ, trang trí bằng hoạ tiết tranh dân gian lên đồ lưu niệm và các sản phẩm du lịch. Tuy nhiên, ở nước ta hình thức này còn ít, chưa được khai thác hiệu quả.
Tranh kinh Nam Bộ. |
Với sự biến đổi của đời sống kinh tế-xã hội, sự du nhập của nhiều loại tranh, ngày nay tranh dân gian dần mất đi vị trí trang trọng trong những ngôi nhà hiện đại. Mặt khác, thú chơi tranh dân gian ngày Tết cũng ngày một bị lãng quên.
PGS-TS Trang Thanh Hiền, Giảng viên trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam cho rằng: Từ thế kỷ 15, 16, người Việt đã có thú chơi tranh không chỉ trong dịp Tết mà tranh của người Việt còn có vai trò qua trọng trong đời sống tâm linh, ví dụ trong đạo thờ gia tiên hay trong các đền phủ, chùa chiền. Vì vậy, việc khơi lại truyền thống chơi tranh của người Việt và quay trở lại với thẩm mỹ dân gian truyền thống đấy là điều nên làm, cần phải gìn giữ, từ đó khuyến khích người Việt không chỉ chơi tranh hiện đại mà còn chơi tranh dân gian để làm phong phú thêm đời sống tinh thần.
Việc truyền dạy, truyền nghề và kế nghiệp các nghệ nhân đã, đang và vẫn sẽ là những thách thức không nhỏ của công cuộc bảo tồn các di sản văn hóa, trong đó có tranh dân gian. Ngay từ bây giờ phải đẩy mạnh công tác sưu tầm, bảo tồn kỹ thuật làm tranh dân gian và có chế độ đãi ngộ đặc biệt cho các nghệ nhân còn sống để họ truyền nghề cho thế hệ trẻ.
Nhiều ý kiến cho rằng chúng ta cũng cần thay đổi tư duy phục dựng tranh theo hướng đi sâu vào chiều sâu trong cốt lõi văn hóa nhân văn và niềm tin mà người dân gửi gắm trong mỗi bức tranh. Nói như PGS-TS Phan Thanh Bình, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học nghệ thuật Huế: Việc bảo tồn và phát triển tranh dân gian không thể làm hời hợt một cách hình thức theo thời vụ, như tổ chức festival hoặc lễ hội xong rồi không ai kiểm tra, không ai tiếp tục duy trì. Do đó, việc quan trọng cần làm là tìm những người tâm huyết để thực hiện. Không thể hô hoán lớp trẻ hãy học dân gian, học truyền thống đi, hình thức thì không thể tồn tại được.
Giới thiệu các dòng tranh dân gian tới người dân và du khách. |
Cùng với sự mai một của các dòng tranh dân gian thì một thực tế đáng buồn xảy ra trong đời sống đương đại hiện nay là số người biết đến các dòng tranh dân gian không nhiều, còn đối với giới trẻ thì biết rất ít, thậm chí không quan tâm. Vì thế Nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Thanh Mai đề xuất cần đưa nghệ thuật truyền thống, trong đó có tranh dân gian vào trong trường học để giúp các em tìm hiểu, nhận biết được cái đẹp, từ đó yêu thích, có trách nhiệm với giá trị văn hóa truyền thống và trong tương lai sẽ trở thành những lớp khách hàng tiềm năng của dòng tranh này.
Hiện nay, việc khôi phục, bảo tồn và phát triển tranh dân gian ở nước ta chưa được đầu tư một cách xứng đáng. Do đó, Nhà nước cũng cần xây dựng quỹ hỗ trợ để “nuôi sống” nghệ thuật dân gian trong đời sống đương đại như nhiều nước đã thực hiện thành công, trong đó Nhật Bản là một nước điển hình.
Vừa qua, Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam đã phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh hoàn thiện hồ sơ và đệ trình lên Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc UNESCO công nhận nghề làm tranh dân gian Đông Hồ là Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. PGS-TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia cho biết: Việc làm này là cần thiết trong bối cảnh các làng tranh dân gian đứng trước nguy cơ mai một, nhiều dòng tranh đã bị thất truyền và có nguy cơ bị biến mất. Hồ sơ cho tranh dân gian Đông Hồ sẽ là một hồ sơ mẫu cho các dòng tranh dân gian khác có thể áp dụng thực hiện.
Các giải pháp khôi phục, bảo tồn và phát triển tranh dân gian Đông Hồ được đưa ra trong hồ sơ cũng sẽ là những giải pháp mà các làng tranh khác có thể tham khảo triển khai. Ở phía Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam đề xuất 7 nhóm giải pháp để phục hồi nghề làm tranh dân gian Đông Hồ, trong đó nhấn mạnh đến các giải pháp như xây dựng hệ thống vinh danh, hỗ trợ và tăng cường số hộ làm tranh hay trao truyền giáo dục di sản, tăng cường thị trường tiêu thụ…
Những giá trị lịch sử, văn hóa chứa đựng trong tranh dân gian phản ánh đời sống văn hóa tinh thần phong phú, đặc sắc của dân tộc Việt Nam. Với sự đặc sắc và ý nghĩa trong nội dung, giá trị nghệ thuật, chúng ta kỳ vọng nghề làm tranh dân gian Đông Hồ sẽ sớm được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Làm sống dậy các làng nghề tranh dân gian trong đời sống đương đại là câu chuyện khó, không thể thực hiện một sớm một chiều. Thiết nghĩ ngoài sự vào cuộc của Nhà nước, các đơn vị chức năng; các địa phương làng nghề, sự tâm huyết của các nghệ nhân thì việc huy động các hoạt động xã hội hóa cũng là việc làm cần thiết để việc hồi sinh tranh dân gian thêm hiệu quả và bền vững./.
No comments