Chọn trang phục thi Miss Universe 2020: Cuộc đua của 2 trang phục?
Sau hơn hai tháng khởi động, cuộc thi “Tuyển chọn thiết kế trang phục dân tộc cho đại diện Việt Nam tại Miss Universe 2020” đã nhận gần 500 bài dự thi của các thí sinh trong Bảng Tự Do.
Với chủ đề “Việt Nam – Tuyệt tác đường cong”, BTC đánh giá cao sự sáng tạo qua các bài thi khi kết hợp yếu tố truyền thống của áo dài và những hoạ tiết, ý tưởng hiện đại. Về mặt bằng chung, năm nay nhiều bài thi đề cao kỹ năng trình diễn trên sân khấu, được đầu tư chỉnh chu, tạo hiệu ứng bất ngờ cho người mặc.
"Số phận" trái ngược của nàng "Tô Thị" và "Thiếu nữ bên hoa huệ"
Nếu theo dõi, có lẽ khán giả sẽ chẳng thể quên được cái tên Trần Nguyễn Minh Đức - Winner mùa 3 (2019) với trang phục "Cà phê phin sữa đá” cho Á hậu Hoàng Thùy tại Miss Universe 2019. Hồi năm ngoái, “Cà phê phin sữa đá” đã gây ấn tượng cho khán giả bởi vẻ hiện đại cách tân, quảng bá văn hoá uống cà phê phin của người Việt Nam. Trở lại với cuộc thi năm nay, Trần Nguyễn Minh Đức thiết kế bài thi “Thiếu nữ bên hoa huệ” với sự phá cách độc đáo và chú trọng đến hiệu ứng trình diễn trên sân khấu.
Trần Nguyễn Minh Đức thiết kế bài thi “Thiếu nữ bên hoa huệ”. |
Từ ý tưởng bức tranh “Thiếu nữ bên hoa huệ” của hoạ sĩ Tô Ngọc Vân, Trần Nguyễn Minh Đức muốn dành sự tri ân cho các bảo vật hội họa quốc gia, các họa sĩ bậc thầy của dân tộc, những người đã tạo ra các tác phẩm song song với sự hình thành của áo dài.
Chia sẻ về tác phẩm của mình, Trần Nguyễn Minh Đức cho biết, "Tạo hình tổng thể trang phục là một Gallery nhỏ về áo dài. Trong đó, hoa hậu Khánh Vân – Miss Universe Vietnam 2019 là hiện thân của các thiếu nữ trong tranh, vừa là một phần của triển lãm, vừa là minh họa sinh động của áo dài trong cuộc sống, vừa là người mà cũng vừa là tranh. Điểm nhấn của trang phục là các yếu tố 2D và 3D của người, lọ hoa, hoa, tà áo dài của các thiếu nữ… phối hợp cùng nhau tạo không gian cho người mặc biểu diễn".
Chưa dừng lại ở đó, "Chất liệu “vẽ” nên tranh là các mảnh vải được xử lý thủ công, không vắt sổ, chồng lớp để diễn đạt chất liệu như sơn dầu cũng như các vệt chảy của sơn cọ. Chi tiết này cũng được đưa lên phần thân áo của hoa hậu để có một tổng thể thống nhất.
Trước khi khán giả được nhìn thấy trọn vẹn “triển lãm” này thì trước đó có sự hiện diện một tấm vải lụa nổi bật che phủ tất cả, là hình thức bảo tồn thường thấy trong bảo tàng đối với các tác phẩm có giá trị, được xử lí bố cục để tăng thêm tính trình diễn".
Tuy nhiên, trên trang fanpage "Miss Universe Vietnam - Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam", tác phẩm "Thiếu nữ bên hoa huệ" của Trần Nguyễn Minh Đức đã gặp phải nhiều ý kiến trái chiều từ phía cộng đồng mạng. Bên cạnh những quan điểm cho rằng, "sản phẩm sáng tạo, ý tưởng hay" thì đông đảo khán giả bày tỏ, "đây là một thiết kế rườm rà, khó hiểu, cồng kềnh, không khả thi khi mang ra "đấu" trên đấu trường sắc đẹp quốc tế".
Cụ thể, độc giả có nickname Bạch Bách Lạc cho rằng, "Đẹp thì đẹp, nhưng không có nhiều ý nghĩa lắm. Nếu không đọc nội dung, quả thật tôi không biết mình đang xem cái gì. Người Việt Nam đã khó hiểu thế thì người nước ngoài sao họ hiểu nổi". Đồng quan điểm đó, độc giả Alice Trần chia sẻ, "Theo ý kiến của tôi, ý tưởng rất ấn tượng nhưng sẽ không phù hợp trên sân khấu, rất là rườm rà khệ nệ".
Nếu như "Cà phê phin sữa đá" được Hoàng Thùy lựa chọn tại Miss Universe 2019 thì dấu ấn của “Bánh Mì” và Hoa hậu H’Hen Niê tại Miss Universe 2018 cũng giúp tên tuổi Phạm Phước Điền – Winner mùa 2 (2017) đến gần hơn với khán giả và giới thời trang. Lần đầu tiên, ẩm thực Việt Nam được quảng bá rộng rãi đến bạn bè quốc tế thông qua một bộ trang phục dân tộc. Đến với Bảng All Stars năm nay, Phạm Phước Điền dành thời gian để thiết kế ra bài thi mang tên “Tô Thị”.
Phạm Phước Điền dành thời gian để thiết kế ra bài thi mang tên “Tô Thị”. |
Chia sẻ về ý tưởng thiết kế của mình, Phạm Phước Điền cho rằng, "Tác phẩm lấy cảm hứng từ câu chuyện cổ về nàng Tô Thị chờ chồng mà hoá thành đá. Bức tượng đá tự nhiên có hình dáng giống người mẹ bồng con đi vào cổ tích, ca dao, trở thành biểu trưng cho tấm lòng chung thuỷ son sắt của người phụ nữ Việt Nam, thành một biểu tượng của văn hoá dân tộc.
Vẫn là form dáng áo dài truyền thống, tôi tạo thêm hiệu ứng “hoá đá” đặc biệt. Phần “giả đá” được làm bằng plastic, silicon tạo hiệu ứng nổi như đá và phun sương nhiều lớp. Trên tay sẽ có mô hình đứa bé mô phỏng đứa con. Các phụ kiện cũng sẽ được làm thủ công bằng vải, kẽm… Tôi hy vọng, sau Bánh Mì vào năm 2018 thì nàng Tô Thị sẽ được mọi người đón nhận và ủng hộ".
Khác với "số phận" của "Thiếu nữ bên hoa huệ", tác phẩm "Tô Thị" của Phạm Phước Điền nhận được hiệu ứng khá tốt từ phía công chúng. Đa phần khán giả cho rằng, "đây đích thực là một tác phẩm đẹp, hay, ý nghĩa, có chiều sâu và rất Việt Nam".
Một độc giả có tên Ngô Dạ Thanh bày tỏ, "Ý tưởng đỉnh ghê, đây là một thiết kế thực sự đẹp và ấn tượng. Người đàn bà hóa đá vì lòng thủy chung, câu chuyện ấy mãi mãi lưu truyền đến mai sau". Cùng với đó, đông đảo công chúng cho biết, họ đặt niềm tin và tác phẩm "Tô Thị" giống như "Bánh Mỳ" hồi năm 2018. Độc giả Thúy Đào chia sẻ, "Vì bánh mỳ đã từng rất thành công nên tôi tin ở thiết kế Tô Thị lần này cũng sẽ gây tiếng vang không kém. Nhìn phần thuyết trình là biết tác giả đã tìm hiểu rất kỹ, hy vọng Tô Thị được chọn".
Sự trở lại của các nhân tố “đáng gườm”
Đều đặn tham gia và vào top tại cả ba mùa thi, Thạch Thành Đạt là một trong những thí sinh bền bỉ nhất của cuộc thi. “Lý ngư vọng nguyệt” chính là bài dự thi mà anh gửi gắm tâm huyết qua lần trở lại này.
“Lý ngư vọng nguyệt” |
"Lý ngư vọng nguyệt" dịch ra Quốc ngữ là cá chép trông trăng, là tiêu đề của một bức tranh khắc gỗ dân gian Đông Hồ nổi tiếng. Bức tranh mô tả một con cá chép đang ngắm nhìn hình ảnh bóng trăng dưới đáy nước, mang hàm ý nói một người học trò mong mỏi học tập, rồi thi đỗ ví như “cá vượt Vũ Môn” hoá thành rồng. Thông qua bài thi, Thạch Thành Đạt muốn gửi lời động viên đến Hoa hậu Khánh Vân, hãy cố gắng vượt mọi khó khăn thử thách để gặt hái thành tích cao tại Miss Universe 2020. Tổng thể trang phục có màu vàng là chủ đạo, cùng hoạ tiết hoa sen, cá chép xung quanh và phần gợn sóng của tà áo phía sau.
Có hai bài thi vào Top 15 của mùa thi năm 2017, Nguyễn Đặng Thanh Nhàn mang về cho mình danh hiệu Á quân 1 (Ngũ hổ) và Top 15 (Mỹ nhân niên lý). Tạm nghỉ ngơi trong mùa 2019, Nguyễn Đặng Thanh Nhàn tái xuất Bảng All Stars với bài thi mang tên “Dáng ngọc”.
Bộ trang phục được thiết kế dựa trên nền áo dài truyền thống của Việt Nam. Với mong muốn thể hiện tinh hoa Việt Nam và đường cong của người phụ nữ nên form áo dài được giữ nguyên, các chi tiết trang trí trên trang phục lấy ý tưởng từ Lúa thể hiện sự phồn vinh, thịnh vượng, ấm no và hạnh phúc. Những chiếc nón lá – một sản phẩm thủ công mỹ nghệ mang đậm dấu ấn Việt Nam được lắp ghép vào nhau thành một khối vững chắc thể hiện nét chân phương, mộc mạc của người con gái Việt và sự đoàn kết dân tộc. Tổng thể bộ trang phục là sự kết hợp giữa đời sống (Lúa) và nghệ thuật (Áo dài, nón lá) nhằm mang đến một bộ trang phục dân tộc đậm chất Hồn Việt trên đấu trường quốc tế.
Top 18 mùa 2019 Y Lum từng gây ấn tượng với khán giả qua bài thi “Nữ chiến binh Bahnar”. Chàng trai trẻ rất đam mê thời trang và thường gửi gắm tình yêu quê hương đất nước trong các mẫu trang phục của mình. Lần trở lại này cũng không ngoại lệ, “Sứ mệnh hoà bình” tiếp tục là bài dự thi đầy tâm huyết của Y Lum.
Sử dụng chiếc nón cối và áo xanh quen thuộc của bộ đội Việt Nam, trang phục khéo ẩn giấu chiếc áo dài trắng truyền thống bên trong, khi trình diễn sẽ cùng lúc mở túi và dùng tay nâng chim bồ câu lên – biểu tượng của hoà bình. Thông qua bài thi này, Y Lum gửi gắm thông điệp: “ Mai sau, đất nước chúng tôi có trở thành cường quốc hay gian nan đi chăng nữa thì những thế hệ hiện tại luôn sẵn sàng xin gửi trọn tình yêu và tuổi trẻ cho Tổ quốc” qua bức thư dành cho Miss Universe Vietnam.
Đặng Thế Anh – Top 10 năm 2016, Top 15 năm 2017 (Mị) cũng là một thí sinh chăm tham gia cuộc thi ở tất cả các mùa. Năm 2019, anh gửi bài thi “Dệt mộng” nhưng không được đi tiếp vào vòng 2. Đặng Thế Anh không bỏ cuộc, tiếp tục quay lại Bảng All Stars và mang “Dệt mộng” một lần nữa đến với cuộc thi với những thay đổi và sáng tạo mới.
Lấy cảm hứng từ nghề dệt vải trên đất nước nói chung cũng như làng lụa Vạn Phúc nói riêng, tác giả thể hiện làng nghề truyền thống của Việt Nam qua hình ảnh những dải lụa phất phơ giữa nắng (một trong những công đoạn để hình thành lên những mảnh vải lụa truyền thống), những dải tơ xếp đan xen vào nhau. Cách điệu từ hình ảnh những chiếc guồng quay tơ thành những hình vòng cung ở hai bên có thể kéo lên xuống tạo cảm giác lạ mắt độc đáo. Phần tà áo phía trước và sau cũng như phần thân trên được lấy cảm hứng trực tiếp từ hoạ tiết trong trang phục của các dân tộc trên đất nước Việt Nam.
Tác giả muốn nhấn mạnh đến thông điệp: “Là phụ nữ hãy tự tin, hãy cho mọi người thấy thay đổi không phải là xấu, không phải là mất đi bản ngã của mình. Thay đổi là để hoàn thiện bản thân mình hơn, để thấy mình hiện đại, cá tính mà vẫn giữ được vẻ đẹp bên trong, vẻ đẹp của phụ nữ Việt Nam”./.
No comments