Đội chiêng nữ, những người nối dài tiếng chiêng ở Đắk Lắk
Ngoại trừ đội chiêng nữ của nhánh Êđê Bih, đối với người Êđê trước kia chỉ có nam mới đánh chiêng. Tuy nhiên sự phát triển của xã hội hiện đại cũng khiến cho nhiều thứ thay đổi, vì thế ở nhiều địa phương của tỉnh Đắk Lắk hiện nay, nữ cũng được tham gia vào việc học đánh cồng chiêng. Đây là nỗ lực nhằm duy trì và bảo tồn văn hóa cồng chiêng trước nguy cơ mai một và thất truyền.
Dàn chiêng Jhô của đội nghệ nhân buôn Trấp. |
Khác với nhiều nhánh Êđê khác, người Êđê bih ở Buôn Trấp, thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk từ nhiều năm nay đã có một đội chiêng nữ đảm nhận vai trò diễn tấu chiêng trong mỗi dịp lễ hội. Dàn chiêng Jhô của đội chiêng này có 6 chiêng và một trống. Chiêng được chia thành 3 cặp, trống có vai trò giữ nhịp cho toàn bộ dàn chiêng. Khi diễn tấu, các nghệ nhân di chuyển theo vòng tròn từ phải qua trái theo hướng ngược chiều với thời gian, có nghĩa ngược về nguồn cội.
Bà H Riu H Mok, đội trưởng đội chiêng Jhô buôn Trấp cho biết, trong nhiều năm qua, đội chiêng Jhô buôn Trấp đã được mời đi diễn tấu ở nhiều lễ hội trong và ngoài nước. Tuy nhiên hiện nay nhiều thành viên trong đội đã cao tuổi, thường xuyên đau yếu nên việc đi trình diễn không còn được thường xuyên. Thay vào đó, để bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc trước nguy cơ ngày càng mai một, các thành viên đã truyền dạy đánh chiêng Jhô cho nhiều cháu gái trong buôn để hình thành thế hệ kế cận.
Bà H Riu H Mok chia sẻ: "Tôi phải cố gắng truyền dạy lại cho thế hệ trẻ, để chúng cũng đánh được nhuần nhuyễn. Sau này, khi chúng tôi già yếu đi không tiếp tục đi diễn đây đó được nữa thì có chúng tiếp nối thay chúng tôi. Vì thế chúng tôi cố gắng truyền dạy bằng tất cả khả năng và sự hiểu biết của mình bởi đây là nhịp chiêng đã được truyền lại từ thời các bà, các mẹ của mình".
Ngày càng nhiều nữ giới được học đánh chiêng. |
Chị H Diệu Niê, thành viên trẻ đội Chiêng Jhô Buôn Trấp chia sẻ, đối với người Êđê Bih ở đây, việc học đánh chiêng đối với nữ không bị cấm cản mà còn được khuyến khích. Chính vì thế, trong nhiều năm qua, nhiều chị em gái trong buôn đã được các bà, các mẹ truyền dạy lại cách đánh chiêng Jhô. Để có thể đánh thành thạo nhiều bài bản chiêng, cần nhất là có đôi tay khéo léo và cách cảm âm, cảm nhịp tốt. Nhưng điều quan trọng là phải thực sự yêu thích và kiên trì.
Chị H Diệu Niê nói: "Được các bác, các mẹ truyền dạy, tôi cố gắng học bằng được. Bởi các bác, các mẹ trước đây cũng đã được đi diễn đây đó rất nhiều nơi nên giờ chúng tôi cũng muốn được tiếp tục tiếp nối những truyền thống ấy và còn phải học để biết mà truyền lại cho thế hệ sau nữa để các đàn em đi sau cũng duy trì văn hóa của dân tộc mình".
Đối với người Êđê trước đây, chỉ có nhánh Êđê Bih là cho phép người nữ đánh chiêng, còn ở các nhánh Êđê khác, việc đánh chiêng chỉ dành cho nam giới. Tuy nhiên ngày nay, với sự phát triển của xã hội hiện đại, quan niệm này dần thay đổi. Từ năm 2015 đến nay, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk phối hợp Phòng văn hóa thông tin các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh thường xuyên mở các lớp truyền dạy đánh chiêng cho trẻ em nam và nữ ở các thôn, buôn.
Từ những lớp truyền dạy này đã xuất hiện nhiều đội chiêng trẻ có chất lượng, trở thành nòng cốt khi tham gia các cuộc thi, hội diễn về nhạc cụ dân tộc ở các cấp tổ chức. Điều đặc biệt là không chỉ có các đội chiêng nam mà cả đội chiêng nữ cũng ngày càng khẳng định khả năng diễn tấu của mình.
Em H Danh Ayun thành viên đội chiêng nữ buôn Ea Đun, xã Ea Kênh, huyện Krông Pắk cho biết: "Đối với chiêng thì không phải học qua sách vở mà học bằng cách cảm nhận qua thính giác. Nếu cảm âm tốt thì có thể tiếp thu tốt. Mặc dù có nhiều khó khăn bởi vì theo truyền thống của người Êđê thì chỉ có nam mới đánh chiêng nhưng đối với nữ như chúng em thì bởi vì yêu thích nên cũng muốn được học và cố gắng học để làm sao không chỉ có nam mới biết đánh chiêng mà cả nữ cũng biết đánh chiêng nữa".
Còn em H Đô Na Ayun nói: "Bây giờ ít có người được học chiêng và có nguy cơ sẽ bị mất đi. Em muốn được học để biết và có thể truyền dạy lại cho nhiều thế hệ đàn em hơn nữa để có thể gìn giữ nét đẹp văn hóa của người Êđê".
Các đội chiêng nữ ngày càng khẳng định được khả năng diễn tấu. |
Theo nhiều nghệ nhân đánh giá, tuy chưa từng có tiền lệ nhưng hiện nay, ở nhiều lớp truyền dạy đánh chiêng, các học viên nữ tham gia khá đông. Đặc biệt, nhiều học viên nữ còn thể hiện khả năng tiếp thu nhanh và tập trung tốt hơn hẳn các học viên nam. Các nghệ nhân cũng cho rằng, nhờ có sự dẻo dai, tính kiên trì, chịu khó nên học viên nữ có thể tiếp thu các bài bản chiêng nhanh và nhớ lâu hơn so với nam. Nghệ nhân Y Hiu Niê Kđăm, người đã truyền dạy nhiều lớp đánh chiêng cho rằng, dù truyền dạy cho nam hay nữ thì đây cũng là một cách để lưu giữ văn hóa cồng chiêng nên rất đáng được trân trọng, khuyến khích.
Nghệ nhân Y Hiu Niê Kđăm nói: "Người Êđê theo mẫu hệ cho nên có thể nói người nữ là chủ thể, có thể làm chủ quyết định sự tiếp nối lâu dài. Tôi muốn truyền dạy cho đội nữ và nhận thấy rằng tư tưởng hiện đại có nhiều thay đổi, các cháu tiếp nhận và tỏ ra yêu thích đối với hoạt động này. Và tôi nhận thấy đối với đội nữ thì các em tiếp thu tốt hơn, học nhanh hơn so với các em nam. Các em nữ cũng có sự ghi nhớ bài học dài lâu hơn và tốt hơn so với các em nam".
Theo Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Linh Nga Niê Kđăm chia sẻ, có một thực tế hiện nay ở nhiều buôn làng tại Đắk Lắk đó là các thành viên đội chiêng nam sau khi trưởng thành, lập gia đình sẽ theo về nhà vợ ở rể. Nếu gia đình vợ ở các buôn khác thì coi như buôn gốc của chàng trai sẽ mất đi một thành viên của đội chiêng. Do đó, nhiều buôn làng đã hướng sang truyền dạy diễn tấu chiêng cho nữ giới, vì chị em sẽ mãi ở lại buôn làng theo tục lệ chồng làm rể của người Ê Đê.
Việc nữ giới Êđê biết diễn tấu cồng chiêng không chỉ tiếp nối nhịp chiêng ở các buôn làng, làm phong phú, tạo nên nét độc đáo cho không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, mà còn góp phần bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc Tây Nguyên trước những tác động từ nhiều phía của cuộc sống đương đại./.
No comments