Khôi phục Trạm phát sóng Bạch Mai trong 5 ngày là bất khả thi
Ngày 20/2 là thời hạn UBND quận Hai Bà Trưng TP Hà Nội yêu cầu Công ty CP Xây dựng thương mại dịch vụ văn hóa phải hoàn trả nguyên trạng Trạm phát sóng Bạch Mai (địa chỉ ngách 128C/22 phố Đại La, phường Đại La, quận Hai Bà Trưng) mà đơn vị này đã tự ý tháo dỡ vào ngày 8/2. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, tòa nhà vẫn nguyên hiện trạng đổ nát. Câu hỏi được đặt ra là tại sao đơn vị quản lý tòa nhà lại “phớt lờ” văn bản của UBND quận Hai Bà Trưng.
Trong buổi làm việc với PV VOV.VN sáng 20/2, đại diện Công ty cổ phần Xây dựng thương mại và dịch vụ văn hóa, đơn vị quản lý tòa nhà 1 tầng thuộc cụm công trình Trạm phát sóng Bạch Mai đã lần đầu lên tiếng trước báo chí, phân trần việc khôi phục lại phần bị phá dỡ của tòa nhà trong 5 ngày theo văn bản của UBND quận Hai Bà Trưng đưa ra ngày 15/2 là khó có thể thực hiện.
Tòa nhà 1 tầng thuộc Trạm phát sóng Bạch Mai bị phá dỡ tan hoang. |
Suy nghĩ đơn giản “hỏng thì tự tháo dỡ”
Bà Phí Minh Châu, thành viên Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Xây dựng thương mại và dịch vụ văn hóa giải thích về việc phá dỡ tòa nhà: “Đêm giao thừa và sáng mùng 1 Tết Hà Nội có mưa to và mưa đá khiến cho một góc mái phòng họp (thuộc phần diện tích của Công ty không bị giải tỏa) bị sập nên chúng tôi phải di chuyển tài liệu, tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm và buộc phải có kế hoạch gia cố, sửa chữa, đảm bảo an toàn tính mạng cho người và tài sản của cơ quan. Dự kiến sửa chữa của công ty là gia cố, thay thế xà gồ cũ hỏng, lợp lại một phần bằng mái tôn để tiếp tục làm việc trong khi chờ xây dựng trụ sở mới.
Ngày 8/2, khi triển khai xong biện pháp an toàn như di chuyển người và tài sản, rào chắn, biển báo, căng dây không cho người đến gần… đội thi công triển khai bước đầu tiên là tháo dỡ khối cửa (đã trên 20 năm niêm phong, không sử dụng) thì cả mảng trần của gian phía ngoài cùng đã tự sập xuống, mặc dù đội phá dỡ không hề có tác động nào khác, kéo theo một phần mái và tường nhà đổ theo.
Ngay sau khi phát hiện ra sự việc, UBND phường Đồng Tâm đã vào lập biên bản, yêu cầu đình chỉ thi công và giữ nguyên trạng để đảm bảo công tác an toàn, chờ ý kiến của lãnh đạo cấp trên.
Bà Phí Minh Châu, thành viên Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Xây dựng thương mại và dịch vụ văn hóa, đơn vị quản lý tòa nhà 1 tầng thuộc cụm công trình Trạm phát sóng Bạch Mai. |
Bà Minh Châu khẳng định rằng, đơn vị này không cố ý đập trước ngày xét lập hồ sơ di tích vì không biết gì cả. Trước đó, họ cũng không hề nhận được văn bản nào từ phía cơ quan quản lý yêu cầu không được phá dỡ tòa nhà hiện thuộc diện quản lý của họ, chưa phải là di tích, và đã được quy hoạch xây nhà cao tầng không quá 46m.
Bà Châu giải trình rằng: “Khu tập thể 128C Đại La trước khi giao cho chúng tôi tiếp quản, đây là nhà trẻ. Chưa có một văn bản nào nói với chúng tôi đây là trạm phát sóng. Đến năm 1988, Uỷ ban Phát thanh – Truyền hình thành lập công ty giao lại cho chúng tôi nhà trẻ này. Công ty đã giải tỏa một số hộ dân và đền bù tiền để các hộ dân đó di chuyển đến địa chỉ mới”.
Bà Châu cũng cho biết, trong quá trình sử dụng từ năm 1988 đến nay, công ty cũng đã sửa chữa rất nhiều lần. Cho nên, chắc chắn nó không còn nguyên trạng trạm phát sóng ban đầu. Tiếp nữa năm 2002, công ty đã được kiểm kê, định giá tài sản để xác định giá trị doanh nghiệp trước khi cổ phần hóa và tòa nhà này cũng là tài sản được đưa vào. Đến năm 2005, tòa nhà này nằm trong danh mục tài sản được bàn giao sang cho công ty cổ phần, Nhà nước thoái vốn 100%. Đây hoàn toàn là tài sản của các cổ đông.
Bà Châu khẳng định, cũng chưa một ai thông báo về công ty về việc phải bảo tồn tòa nhà này. Năm 2010, tòa nhà này được cấp sổ đỏ và công ty hàng năm vẫn thực hiện nghĩa vụ đóng thuế đầy đủ, không nợ nần.
Đại diện Công ty cổ phần Xây dựng thương mại và dịch vụ văn hóa và UBND phường Đồng Tâm trao đổi với PV. |
Đến năm 2018, thành phố có thông báo giải tỏa mặt bằng đường vành đai 2, trong đó diện tích 28,37m (nằm ở gian ngoài cùng bị sập) thuộc diện giải tỏa nằm trong diện tích khu nhà đó. Công ty đã thống nhất phương án đền bù và đã nhận tiền đền bù. UBND phường Đồng Tâm cũng tổ chức nhiều cuộc họp, đề nghị phía công ty giải phóng mặt bằng để trả mặt bằng làm đường vành đai 2 và công ty cũng chấp hành nghiêm túc.
Sở Quy hoạch Kiến trúc đã gửi văn bản về việc giải phóng mặt bằng phần diện tích còn lại. Công ty không được đền bù quỹ đất mới mà tiếp tục được xây dựng chỗ đó thành nhà cao tầng với chiều cao không quá 46m.
Bà Châu thừa nhận, Công ty cổ phần Xây dựng thương mại và dịch vụ văn hóa đã sai khi sửa chữa tòa nhà mà chưa xin phép các cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên, bà cho rằng: “Nếu xin phép, tôi nghĩ là được thôi vì gian bị sập nằm trong khu vực được tháo dỡ, đã nhận được tiền đền bù, có phương án phá dỡ của ban giải phóng mặt bằng rồi. Tòa nhà đã xuống cấp, không ai biết trước nó sẽ sập lúc nào. Chúng tôi chỉ nghĩ đơn giản là nó sập thì phải sửa chữa. Cái sai của chúng tôi là do nhận thức giới hạn”.
“Sau khi nhận văn bản của UBND quận Hai Bà Trưng ngày 15/2, yêu cầu phục hồi nguyên trạng trước ngày 20/2, nhưng việc đó không thể, vì chỉ có 5 ngày. Chúng tôi đang lập phương án để chờ UBND quận xem xét”, bà Châu nói.
Khôi phục lại nguyên trạng tòa nhà cần những biện pháp cụ thể, chi tiết
Trước khúc mắc của Công ty cổ phần Xây dựng thương mại và dịch vụ văn hóa là việc khôi phục Trạm phát sóng Bạch Mai trong 5 ngày là bất khả thi, bà Lê Khánh Giang, Chủ tịch UNBD phường Đồng Tâm cho biết, trong khoảng thời gian đó, đơn vị này chỉ có cách giữ nguyên hiện trạng. UBND phường Đồng Tâm ghi nhận công ty trước đó cũng đã chấp hành nghiêm theo sự hướng dẫn của các cấp chính quyền là dừng ngay việc tháo dỡ công trình, di chuyển toàn bộ máy móc, công nhân ra khỏi hiện trường. Hiện UBND phường Đồng Tâm cũng cử người chia ra những chốt trực công trình này.
Bà Lê Khánh Giang, Chủ tịch UNBD phường Đồng Tâm. |
Bà Giang nói: “Mưa đá dịp Tết Nguyên đán vừa qua khiến cho một phần mái tòa nhà bị sập, cái sai của phía công ty là khi thực hiện sửa chữa không thông báo với chính quyền địa phương. Việc thông báo là cần thiết để chúng tôi có thể phối hợp, hỗ trợ cùng các ban ngành cùng giải quyết sự việc này. Trước đó, từ 2019 công ty nhiều lần có văn bản gửi ban dự án xin tự dỡ phần trong giải phóng mặt bằng, nhưng chúng tôi chưa chấp thuận”.
Cũng theo bà Giang, việc khôi phục lại nguyên trạng tòa nhà cũng rất khó khăn cho công ty, cần những biện pháp cụ thể, chi tiết. Dự kiến chiều thứ 3, ngày 25/2 tới, phường Đồng Tâm sẽ tổ chức một cuộc họp, mời một số ban ngành của quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội cùng công ty để tìm phương án giải quyết.
Bà Giang chia sẻ quan điểm: “Phường Đồng Tâm là phường khá đặc biệt trên địa bàn thành phố, không có các công trình văn hóa như đình, đền, chùa... Nếu trạm phát sóng Bạch Mai được công nhận di tích, đó là điều đáng tự hào không chỉ với phường Đồng Tâm mà còn với nhân dân thành phố Hà Nội”./.
Theo Quy hoạch mở rộng đường vành đai 2 của Thành phố Hà Nội, một số công trình thuộc Trạm Phát sóng Bạch Mai sẽ bị tháo dỡ để thực hiện dự án đường trên cao Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở. Tuy nhiên, với những công trình kiến trúc mang dấu ấn lịch sử quốc gia, Đài Tiếng nói Việt Nam đã có công văn gửi UBND TP Hà Nội kiến nghị xem xét bảo tồn ngôi biệt thự cổ (Nhóm 2) thuộc trạm phát sóng Bạch Mai tại số 10 Đại La (quận Hai Bà Trưng). Công văn này được gửi hồi tháng 12/2019 đồng thời tới Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc để báo cáo.
Theo đó, ngày 14/1/2020, Liên ngành Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch Kiến trúc, Sở Văn hóa và thể thao, UBND quận Hai Bà Trưng, UBND Phường Đồng Tâm, Công ty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội đã kiểm tra hiện trạng tại số 128 C Đại La. Ngày 20/1, Sở Xây dựng có công văn gửi UBND thành phố Hà Nội về kết quả làm việc và thống nhất 8 nội dung, trong đó để cập đến trạm phát thanh 1 tầng.
Công văn ghi rõ “Đối với Trạm phát thanh 1 tầng (cách biệt thự cũ khoảng 200m), qua kiểm tra liên ngành đánh giá đây là công trình kiến trúc khác xây dựng trước năm 1954 (không phải là nhà biệt thự).
Hiện UBND thành phố đang chỉ đạo Sở Quy hoạch Kiến trúc lập danh mục công trình kiến trúc khác xây dựng trước năm 1954 trên địa bàn toàn thành phố để thực hiện việc bảo tồn, tôn tạo. Công trình hiện có một góc nằm trong chỉ giới đường đỏ thuộc phạm vi dự án xây dựng đường vành đai 2, hiện do công ty CP Xây dựng TM và DV Văn hóa quản lý, sử dụng theo giấy chứng nhận số 759 ngày 13/9/2012 của Sở Tài Nguyên và Môi trường (Đơn vị này đã được Bộ VHTT cổ phần hóa), đơn vị này đã được nhận tiền đền bù nhưng chưa bàn giao mặt bằng, có trách nhiệm chỉnh trang công trình sau khi giải phóng mặt bằng.
Sở Xây dựng cũng đề nghị UBND thành phố chỉ đạo Sở Quy hoạch Kiến trúc kiểm tra, đánh giá, xếp loại công trình Trạm phát thanh 1 tầng để đưa vào danh mục bảo tồn công trình kiến trúc khác xây dựng trước năm 1954; giao sở Văn hóa Thể thao và Du lịch kiểm tra, nếu đủ điều kiện theo quy định thì hướng dẫn UBND quận Hai Bà Trưng và chủ quản lý, sử dụng chỉnh trang công trình, lập bia hoặc biển chỉ dẫn và hồ sơ trình UBND Thành phố ra quyết định công nhận di tích lịch sử cách mạng kháng chiến.
Công văn của Sở Xây dựng ra ngày 20/1/2020 và đến khi quận Hai Bà Trưng nhận được là ngày 30/1 và đến ngày 4/2, công văn mới đến UBND phường Đồng Tâm. Ngày 8/2, trạm phát thanh 1 tầng bị phá dỡ.
Hiện công trình đã bị đình chỉ thi công và giữ nguyên trạng để đảm bảo công tác an toàn, chờ ý kiến của lãnh đạo cấp trên.
No comments