“Hiện tượng mạng” Hoàng Trang và những “ca lạ” của nhạc Trịnh
Âm nhạc của Trịnh Công Sơn từ lâu đã rất nổi tiếng với nhiều thế hệ khán giả Việt Nam. Nhạc Trịnh len lỏi trong đời sống, trầm lắng trên sân khấu bởi lời ca da diết, giai điệu du dương và những thông điệp sống ý nghĩa như "Hãy yêu nhau đi", "Một cõi đi về", "Ca dao mẹ", "Ru tình", "Hạ trắng", "Diễm xưa"...
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn |
"Hiện tượng mạng" Hoàng Trang
Cái tên Hoàng Trang được khán giả biết đến nhờ clip "Ta thấy gì đêm nay" được chia sẻ trên mạng. Sau một tuần đăng tải, đoạn clip ngắn Hoàng Trang hát cùng đàn guitar đạt gần 3 triệu lượt xem, 7.800 lượt bình luận và 40.000 lượt chia sẻ.
Việc clip được đông đảo khán giả chú ý khiến cô gái sinh năm 1997 rất ngạc nhiên. Cô vừa tốt nghiệp Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM ngành ngôn ngữ Italy và chưa từng được học hành bài bản về âm nhạc. Hoàng Trang tự nhận mình là một giọng ca bản năng và chọn cho mình cách hát theo những cảm xúc tự nhiên của người trẻ.
Hoàng Trang |
Có lẽ vì thế mà ca khúc "Ta thấy gì đêm này" đi được vào trái tim khán giả bởi lối hát mộc, rất hồn nhiên với chất giọng khỏe khoắn, không giống với bất kỳ ca sĩ hát nhạc Trịnh nào trước đây. Đây cũng là ca khúc hiếm hoi của Trịnh Công Sơn được... gây sốt trở lại nhờ một giọng ca mạng.
Nhận xét về giọng hát Hoàng Trang, em gái nhạc sĩ Trịnh Công Sơn - ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh cho rằng: “Giọng của Hoàng Trang khá lạ, trong sáng và mới mẻ. Em ấy có giọng hát, tâm hồn, phong cách trong sáng và quan trọng là cảm nhận được ca từ nhạc Trịnh".
Hoàng Trang chia sẻ, cô đã thích nhạc Trịnh từ bé và theo đuổi đã 10 năm nay. Tuy vậy, do công việc học hành, cô không có nhiều cơ hội để học thêm và rèn luyện về âm nhạc cũng như đi biểu diễn. Sau khi kết thúc việc học, Hoàng Trang sẽ đi theo con đường ca hát. Hy vọng trong thời gian tới, cô sẽ có bước chuyển mình vượt bậc từ một giọng ca mạng sang một ca sĩ thực thụ.
Clip: "Ta thấy gì đêm nay" - Hoàng Trang
Giang Trang - kẻ nghiệp dư hát nhạc Trịnh
Với Giang Trang, cô luôn gọi hành trình với âm nhạc Trịnh của mình là cuộc "dạo chơi" và ở đó, cô là một "kẻ nghiệp dư". Nói nghiệp dư là bởi, Giang Trang chưa bao giờ được học hành bài bản về âm nhạc mà chỉ đến với nhạc Trịnh bằng niềm đam mê, bằng tình yêu.
Thậm chí, cô còn cam kết sẽ không đi học thanh nhạc bởi cô muốn âm nhạc của một nghệ sĩ nghiệp dư phải được hát bằng người nghiệp dư.
Giang Trang. |
Giọng hát của Giang Trang không cầu kỳ, không có những sự luyến láy tinh tế hay có những phần đòi hỏi kỹ thuật tốt, nhưng ở Giang Trang, khán giả luôn yêu thích sự mộc mạc và lối hát một cách tự nhiên như thủ thỉ.
Trong suốt 7 năm (từ 2011-2018), Giang Trang đã thực hiện hàng loạt dự án, khai thác những khía cạnh khác nhau của nhạc Trịnh. Từ "Lênh đênh nhớ phố" (2011), "Hạ huyền 1" (2012), "Hạ huyền 2" (2015), "Nguyệt hạ 1" (2016) và cuối cùng là "Nguyệt hạ 2" (2018), Giang Trang đã ghi dấu ấn đậm nét trong lòng những người yêu nhạc Trịnh bằng sự chân thành và đồng cảm của "kẻ ngây ngô hát nhạc Trịnh".
Clip: "Ru em từng ngón xuân nồng" - Giang Trang
Hà Lê và nhạc Trịnh đương đại
Xuất phát điểm là rapper, theo đuổi dòng nhạc hiphop, việc Hà Lê lựa chọn nhạc Trịnh Công Sơn để thực hiện dự án "Trịnh Comtemporary" (nhạc Trịnh đương đại) là một quyết định bất ngờ.
Theo Hà Lê, Trịnh Contemporary không chỉ dừng lại ở việc hát (cover) nhạc Trịnh mà sẽ thêm vào đó các yếu tố đương đại để tạo ra sự mới mẻ. Trong dự án này, Hà Lê đã tung ra 3 ca khúc "Hạ trắng", "Diễm xưa" và "Mưa hồng". Bên cạnh những phản hồi tích cực thì cũng có nhiều ý kiến trái chiều, thậm chí nghi ngờ Hà Lê là đang "làm mới hay phá nát nhạc Trịnh?".
Hà Lê. |
Tuy nhiên, với bản thân Hà Lê, anh không sợ những ý kiến trái chiều. Nam ca sĩ từng chia sẻ: "Nếu sợ thì tôi đã không phá, mà không phá thì sẽ không mới nên dù có sợ, tôi vẫn phải phá để mở ra cho nhạc Trịnh một con đường khác hơn.
Với những khán giả đã yêu và thích nghe nhạc Trịnh một cách truyền thống, có thể họ sẽ không chấp nhận cách làm của Hà Lê. Song, với những người thích sự thay đổi, chấp nhận những cái mới trong âm nhạc thì họ sẽ bị ấn tượng bởi nhạc Trịnh mới mẻ và kỳ lạ qua góc nhìn của Hà Lê.
Clip: "Diễm xưa" - Hà Lê
Đồng Lan hát nhạc Trịnh bằng tiếng Pháp
Đồng Lan là ca sĩ đầu tiên thực hiện một album nhạc Trịnh Công Sơn song ngữ Việt-Pháp và ít nhiều cũng gây tranh cãi với người yêu nhạc Trịnh theo phong cách truyền thống.
Đồng Lan đã dành 4 năm cho việc chuyển ngữ các bài hát nhạc Trịnh sang tiếng Pháp, trung thành với nguyên tác, với ca từ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nhưng vẫn mang tinh thần Pháp.
Clip: "Hãy yêu nhau đi" - Đồng Lan
9 bài hát trong album "Này em có nhớ" được hòa âm và hát theo phong cách jazz Pháp giản dị, nhẹ nhàng. Đồng Lan đã dựa vào sự giao thoa văn hóa của nhạc Trịnh để phát triển ý tưởng cho album của mình.
Đồng Lan hát nhạc Trịnh bằng chính cảm giác lãng đãng bay bổng trong những chiêm nghiệm nhẹ nhàng để đến gần hơn với khán giả trẻ cũng như khán giả quốc tế./.
No comments