Sự hồi sinh của thú chơi tranh con giáp vào dịp Tết
“Nhất chữ, nhì tranh, tam sành, tứ mộc” câu chữ trên của người xưa ý nói đến những thú chơi hàng đầu trong dịp Tết truyền thống. Chơi tranh Tết từ lâu là một tập quán đẹp, một thú chơi tao nhã của người dân Việt Nam. Như tục lệ từ xưa tới nay, dù giàu có hay nghèo khó mỗi dịp Tết đến xuân về mọi gia đình người Việt thường có những bộ tranh dân gian trong nhà để đón năm mới.
Trong những năm gần đây, thú chơi tranh dân gian dịp Tết đang có xu hướng trở lại và nhận được sự quan tâm của những người yêu mỹ thuật, những người mong muốn gìn giữ phong tục đẹp ngày xuân.
Tranh dân gian Đám cưới chuột. |
Tranh dân gian ngày Tết - thú chơi không thể thiếu trong nếp văn hóa của nhiều gia đình
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Bích đã đi rất nhiều nơi, rong ruổi tìm kiếm những vẻ đẹp của cuộc sống. Anh đặc biệt yêu mến các làng nghề, quan tâm đến số phận của những con người đóng góp công sức của mình vào việc gìn giữ, phát triển những nét đẹp độc đáo, tinh hoa của làng nghề. Những giá trị xưa cũ, truyền thống có nguy cơ thất truyền luôn cuốn hút dưới ống kính của Lê Bích. Người ta nhắc tới những triển lãm cá nhân của anh mang tên: “Những người giữ nét tinh hoa Hà Nội, Làng nghề đón xuân, Sắc màu cuộc sống”…
Trong những ngày tháng rong ruổi ấy, Lê Bích được gặp nhiều nghệ nhân của làng tranh Đông Hồ, Hàng Trống, tranh Kim Hoàng, tranh Làng Sình… những chuyến đi ươm mầm tình yêu của anh dành cho tranh dân gian Việt Nam. Và vì lẽ đó, mỗi năm khi Tết nguyên đán cận kề, nghệ sĩ Lê Bích lại chọn cho mình một cặp tranh dân gian theo đúng phong tục xưa cũ của người Việt. Anh nói: “Là người chơi tranh dân gian thích chơi tranh con giống bởi người Việt Nam quan niệm can chi, sinh năm con gì mua tranh con đó. Ví dụ tôi tuổi chuột hay mua tranh đám cưới chuột thể hiện ước vọng đỗ đạt trống giong cờ mở. Tôi nghiên cứu rất kỹ đường nét tranh dân gian, dùng gam màu rất tươi sáng. Tôi cũng chơi với nhiều họa sĩ. Trong giới họ vẽ tranh tặng nhau ngày Tết rất phổ biến. Còn bây giờ kinh tế phát triển mọi người thích chơi tranh quay trở lại, đặc biệt năm gà, tuất, hợi, tý”.
Tranh dân gian Hàng Trống - Lý ngư vọng nguyệt và Chim công. |
Khi được hỏi về số lượng tranh dân gian hiện có trong nhà, nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Bích thú nhận mình không thể kể hết vì nhiều tranh tự mua, nhiều tranh được các nghệ nhân, họa sĩ quý mến mà tặng. Nhưng chắc chắn, nếu ai có dịp ghé qua căn nhà của anh đều ấn tượng ngay với đôi tranh Kim Hoàng hai ông thần cửa màu sắc tươi sáng treo ngay lối vào nhà. Phong tục chơi tranh dân gian ngày Tết được nghệ sĩ Lê Bích và gia đình duy trì nhiều năm như vậy.
Phong tục đẹp ngày Tết quay trở lại
Theo nếp xưa, sau ngày cúng ông Táo (23 tháng Chạp), người dân bắt đầu tất bật sắm sửa, trang hoàng ngôi nhà để đón Tết cổ truyền. Cùng cành đào, cây quất, tranh dân gian ngày Tết là thứ không thể thiếu trong nếp văn hóa của nhiều gia đình người Việt. Tranh dân gian đa dạng về thể loại như tranh tín ngưỡng, chúc tụng, lịch sử, phong cảnh... Tranh được lựa chọn treo trong ngày Tết mang nội dung tốt đẹp, cầu chúc cho gia chủ một năm phát tài lộc, cuộc sống đủ đầy và vạn sự như ý. Bà Lê Ngọc Diệp ở Mã Mây, Hà Nội cho biết, gia đình bà thích chơi tranh Hàng Trống vào dịp Tết: “Mẹ tôi luôn là người treo tranh, công chép ở hai bên ban thờ. Bức công thể hiện cho người phụ nữ, cao quý. Bức chép tượng trưng cho người đàn ông, cá chép vượt vũ môn hóa rồng”.
Sau một thời gian dài thú chơi tranh dân gian tưởng như bị mai một, giờ đây, thú chơi này đã dần quay trở lại và được hồ hởi đón nhận. Chị Nguyễn Thị Thu Hòa, chủ nhiệm dự án khôi phục dòng tranh dân gian Kim Hoàng cho biết, cứ vào dịp Tết, tranh Kim Hoàng lại được tìm mua đông hơn. Trong đó, có những bức được bán với giá vài triệu đồng, không hề thua kém các bức tranh vẽ. Sở dĩ người dân thích tìm mua tranh dân gian vào dịp Tết là để tìm về những ký ức ngọt ngào và hướng tới các giá trị văn hóa truyền thống đích thực của người Việt. Sự hồi sinh của thú chơi tranh con giáp vào dịp Tết chính là việc tiếp nối nét đẹp của người Việt vào dịp Tết đến xuân về.
Tranh dân gian Đông Hồ - Lợn ăn ráy. |
Chị Hòa chia sẻ: “Ngày xưa các làng tranh có thể sống được nhờ tranh lợn và gà. Bởi vì hai loại tranh này ai cũng hiểu được, em bé cũng thích lợn thích gà. Đề tài lợn, gà trong tranh cũng phản ánh nhu cầu của người mua tranh, chơi tranh. Năm nay tranh chuột sáng tác mới được đặt hàng nhiều hơn. Đó là tín hiệu đáng mừng. Mọi người cũng hiểu và trân trọng công sức khôi phục của những thành viên của dự án”.
Có lẽ hình ảnh những phiên chợ Tết nhiều vùng quê Bắc Bộ hay phố cổ Hà Nội nhiều năm về trước với cảnh tranh rải trên chiếu, bày trong mẹt, treo trên dây hay được cuộn tròn, xếp gọn trong bồ ít còn xuất hiện. Nhưng các làng tranh dân gian truyền thống như Đông Hồ, Hàng Trống, làng Sình, Kim Hoàng… mỗi độ xuân về đã lại tất bật rộn ràng trở lại: làm tranh, mua bán, đưa đi khắp nơi. Xuân Canh Tý sắp về, bức tranh “Đám cưới chuột” gửi gắm thông điệp về sự sinh diệt, tiêu trưởng của vũ trụ. Dung hòa mọi yếu tố, nhằm hướng đến một năm đầy sung túc, no đủ, đồng thời gửi gắm những triết lý nhân sinh một cách nhẹ nhàng, tinh tế chắc chắn là lựa chọn hàng đầu của những người yêu hồn cốt văn hóa Việt./.
No comments