NSƯT Trần Lực: Tôi tin tưởng vào con đường mình đi
Sinh ra và lớn lên trong gia đình làm nghệ thuật, được khán giả biết đến với vai trò diễn viên, đạo diễn của một số bộ phim truyền hình. Gần đây đạo diễn, NSƯT Trần Lực thành lập sân khấu riêng lấy tên là “Luc Team”.
Ra mắt từ cuối năm 2017, cho đến nay, sân khấu tư nhân của anh đã dàn dựng và công diễn nhiều vở kịch như: Quẫn, Cơn ghen của lọ lem, Nữ ca sĩ hói đầu, Kiều và Bạch đàn liễu. Đây đều là những tác phẩm mang phong cách riêng, chứa đựng nhiều yếu tố sáng tạo. NSƯT, đạo diễn Trần Lực đã trải lòng với phóng viên VOV về những đổi mới này.
Muốn được làm theo cách mình tâm đắc
PV: Thưa NSƯT Trần Lực, anh mong muốn điều gì khi tạo dựng sân khấu Luc Team?
NSƯT Trần Lực: Tôi yêu sân khấu và muốn tạo ra một sân khấu riêng để được thỏa đam mê, được làm theo cách mình cảm thấy tâm đắc. Sân khấu kịch trước đây đã có một thời kỳ rực rỡ. Những vở diễn kín rạp và khán giả thì xếp hàng dài cả cây số để mua vé là hình ảnh mà tôi cũng như nhiều người khác không thể nào quên.
Nghệ sĩ Trần Lực |
Nói lại để thấy rằng, kịch của chúng ta đã từng rất hay, rất cuốn hút khán giả. Nhưng hay mà tất cả các đoàn vẫn làm theo phương pháp đó suốt từ bấy đến nay thì có vẻ không ổn. Chính vì vậy, tôi muốn làm theo một phong cách hoàn toàn mới, để khán giả có thêm lựa chọn. Đặc biệt, tôi hướng đến đối tượng khán giả đông đảo hiện nay, đó là những bạn trẻ, những người ưa tìm tòi thưởng thức cái mới. Họ đến với chúng tôi và chúng tôi đáp ứng được những gì họ mong đợi.
PV: Như vậy, Luc Team có những nguyên tắc dàn dựng riêng, dành cho đối tượng khán giả riêng khác hẳn với các sân khấu hiện nay?
NSƯT Trần Lực: Đúng như vậy! Sân khấu kịch của chúng ta ngay từ ngày sơ khai đã đi theo dòng kịch Xtanixlapxki (xuất phát từ nước Nga), tức là kịch hiện thực tâm lý. Dòng kịch này phù hợp cho những vở diễn về đề tài chiến tranh, thậm chí là hiện đại. Thời đó, chúng ta đã từng có những vở diễn được làm rất hay. Chỉ có điều là từ đó đến nay, các nhà hát, các đơn vị vẫn duy trì phong cách kịch hiện thực tâm lý này và hầu như không có thay đổi.
Đây là một phương pháp kịch hay, dễ phổ biến và thực tế chúng ta có nhiều tác phẩm rất xuất sắc, thậm chí còn nhận được giải thưởng và công diễn ở các nước như: Hồn trương Ba da hàng thịt, Vua Lia, Nhân danh công lý...
Thế nhưng cũng như món ăn, dù ngon đến mấy mà chúng ta cứ cho khán giả ăn mãi mà không thay đổi thực đơn thì họ cũng chán. Vậy nên tôi thấy mình đã làm thì phải làm một hình thức mới hẳn để khi người xem đến với mình họ sẽ có cảm nhận rằng: À, đây là một sân khấu mới, mình đang được xem những cái mới. Cái mới ấy là gì? Là sự hồn nhiên, tươi tắn, sôi động và tất nhiên là nhiều xúc cảm nữa. Tuy nhiên để đổi lại điều đó thì diễn viên của tôi phải tập luyện rất căng thẳng. Chúng tôi cùng nhau đi xem tuồng, chèo để hiểu về nghệ thuật truyền thống. Muốn cơ thể không bị căng cứng khi diễn, diễn viên đã phải học các môn rất nặng để giải phóng hình thể như xiếc, múa, nhảy... Nhưng đổi lại khi xem họ diễn trên sân khấu, khán giả sẽ thấy được giá trị của sự tập luyện!
Giản lược mọi thứ để nhường đất cho diễn xuất
PV: Xem những vở diễn của anh sẽ thấy rằng, hầu như phần phục trang của diễn viên và mọi bài trí trên sân khấu được giản lược để nhường đất diễn cho diễn viên. Phải chăng anh đã đón đầu xu hướng mà nhiều sân khấu nước ngoài đã làm?
NSƯT Trần Lực: Cách trình bày của chúng tôi dựa trên nguyên tắc của sân khấu ước lệ nên không cần phải quá chi tiết. Những trình bày mà khán giả có thể thấy đều đã được tính toán chi li, chứ hoàn toàn không phải sự lược bỏ tùy tiện. Chúng tôi sử dụng các ước lệ về thời gian, không gian, hoạt động, cảnh vật và cả đạo cụ. Điều này các bạn có thể đã thấy ở sân khấu tuồng, chèo. Diễn viên chỉ cần một chiếc roi có thể diễn được nhiều hoạt động như: lên ngựa, phi ngựa, xuống ngựa rồi băng rừng vượt suối một cách điệu nghệ.
Trên sân khấu, diễn xuất của diễn viên giữ vai trò kết nối, gợi mở cho mọi người về không gian, thời gian và các yếu tố khác. Sự giản lược trong sân khấu ước lệ còn có thể giúp người xem tưởng tượng bối cảnh của câu chuyện hơn là việc bày sẵn ra.
PV: Trong đa số các vở diễn của sân khấu Luc Team có nhiều câu thoại vui mà diễn viên nói thêm vào. Các bạn trẻ khi xem đến đó rất thích thú. Ví như trong vở “Nữ ca sĩ hói đầu” có các câu:“Vì bạn xứng đáng”, “Vì yêu mà đến”, trong vở “Bạch đàn liễu” lại có câu: “Nhà bao việc”... Anh có dụng ý gì khi đưa những câu nói này vào kịch?
NSƯT Trần Lực: Kịch của chúng tôi là kịch ước lệ biểu hiện, diễn viên không cần nói giống 100% các câu thoại trong kịch bản. Hơn nữa, tôi muốn nhấn mạnh với khán giả rằng, tuy vẫn là vở kịch ấy nhưng bằng cách kể của ngày hôm nay sẽ phải khác những giai đoạn trước. Chính vì vậy, những câu nói vui thịnh hành đưa vào tôi thấy hợp lý.
Mặt khác, tôi cũng thấy rằng, dòng kịch này làm cho các diễn viên của tôi diễn hồn nhiên hơn. Các bạn ấy không phải quá cố gắng để giống hệt nhân vật nguyên mẫu mà có sự mềm mại, linh hoạt; cảm nhận về nhân vật và thể hiện điều đó trên sân khấu một cách mộc mạc nhất. Như thế người xem đến với sân khấu kịch của chúng tôi sẽ cảm thấy sự thoải mái tương tự như vậy. Họ được gỡ bỏ hoàn toàn những định kiến, những nghi ngờ để được thả lỏng, được tự nhiên cảm nhận về kịch để cười với các nghệ sĩ của chúng tôi. Diễn viên của tôi không phải diễn viên hài nhưng họ vẫn đảm nhận yêu cầu làm cho vở diễn có các yếu tố hài hước. Cười mang lại cho chúng ta nhiều thứ.
PV: Sân khấu Luc Team đã có một vị trí nhất định trong lòng công chúng Hà Nội, vậy anh có dự định gì cho những bước đi tiếp theo?
NSƯT Trần Lực: Chúng tôi đã dựng được 5 vở diễn, có những vở công diễn dài hơi nên tới đây chúng tôi muốn có một địa điểm cố định. Khán giả phải biết đích xác chúng tôi ở đâu mỗi khi họ cần. Bên cạnh đó, chúng tôi vẫn cần phải chuẩn bị những vở diễn, tiết mục mới. Như đã dự định, trích đoạn Kiều sẽ được phát triển lên thành một vở kịch dài và tôi đang làm việc với một vài tác giả để có những kịch bản phù hợp với sân khấu của chúng tôi. Vẫn còn khá nhiều điều ở phía trước mà chúng tôi phải khám phá.
PV: Như hầu hết các đơn vị sân khấu tư nhân khác, mọi nguồn tài chính để dựng vở, thuê rạp, anh đều tự bỏ ra. Anh có nghĩ đến việc mình đi tìm nguồn tài trợ hoặc tìm kiếm một đối tác nào đó cùng thực hiện?
NSƯT Trần Lực: Tìm được nguồn tài trợ thì không gì bằng, nhưng điều đó không phải dễ. Sân khấu chúng ta chưa thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư. Cũng may là các vở diễn của chúng tôi ra mắt khán giả đều bán vé khá ổn nên chúng tôi có thể trụ vững được. Cứ có khán giả đến với mình thì mọi vấn đề trở nên đơn giản. Các diễn viên của tôi cũng đã bắt đầu vào guồng và rất gắn bó với sân khấu, họ rất yêu nghề. Chúng tôi tin tưởng con đường mình đã đi.
PV: Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!
No comments