“Về nhà đi con” thắng lớn trong 2019 và chuyện dán nhãn phim truyền hình
Cùng nhìn lại một năm 2019 sôi động và ồn ào của phim truyền hình Việt…
Năm 2017 đánh dấu bước ngoặt lớn khi “Người phán xử” và “Sống chung với mẹ chồng” bất ngờ đại thắng, chấm dứt thời kỳ “ngủ đông” ảm đạm và hiu hắt kéo dài của phim truyền hình nước nhà. Vui có, mừng có, nhưng vẫn còn lắm hoài nghi và hồi hộp bởi đã rất lâu rồi, khán giả không còn mấy mặn mà với phim truyền hình Việt.
Nỗi hoài nghi ấy dần được giải toả khi bước sang năm 2018, “Thương nhớ ở ai”, “Gạo nếp gạo tẻ”, “Cả một đời ân oán” tiếp tục nối dài thành công với lượng rating cao vút, khán giả đứng ngồi không yên theo dõi, tranh luận sôi nổi từng tập phim.
Bước sang năm 2019, không còn hoài nghi, không còn phỏng đoán ăn may, “Về nhà đi con” đại thắng trên mọi phương diện, xô đổ mọi kỷ lục về rating, tương tác trên mạng xã hội, doanh thu quảng cáo… Phim ghi tên mình vào danh sách những bộ phim thường xuyên đứng đầu top tìm kiếm trên Google. Trang fanpage Về nhà đi con với con số gần 1 triệu followers kỷ lục, hơn 600.000 lượt thích, có tổng số 276.546.000 phút video được xem chỉ tính riêng trên page, tương đương 526 năm. Mỗi clip preview và review phim đạt hàng triệu views, trung bình khoảng 3.000 bình luận. Quốc Trường, nam chính “Về nhà đi con” bày tỏ: “Tôi tự hào vì được góp phần vào bộ phim”. Quỳnh Nga, đóng vai Nhã thốt lên kinh ngạc “Ngoài sức tưởng tượng” trước những kỷ lục không tưởng của “Về nhà đi con”.
Bộ phim đã thay đổi thói quen xem phim của người Việt, giúp gắn kết các thế hệ trong một gia đình bằng nội dung nhân văn, những bài học nhẹ nhàng, sâu sắc và ý nghĩa về gia đình, vợ chồng. Dàn diễn viên gạo cội với diễn xuất chân thật, thoại phim sâu sắc nhưng tự nhiên, dễ nhớ dễ thuộc len lỏi vào cuộc sống đời thường… Nói không ngoa, “Về nhà đi con” đã xác lập những điều không tưởng trong lịch sử phim Việt và trở thành một “chuẩn mực” mà mọi tác phẩm phim truyền hình đều muốn hướng đến.
Khép lại năm 2019, nếu như điện ảnh nước nhà còn lắm xôn xao và trăn trở với câu chuyện kiểm duyệt, thì chưa bao giờ ở địa hạt phim truyền hình lại phát triển rực rỡ đến thế. Những năm kéo dài sôi nổi của phim truyền hình đã tạo ra một thế hệ ngôi sao-diễn viên truyền hình đắt giá, đặc biệt thay đổi thói quen giao tiếp giữa nhà sản xuất và khán giả. Không còn tương tác một chiều, phát gì xem nấy, nhà sản xuất nuông chiều khán giả đến nỗi phải quay thêm cảnh nếu kịch bản rò rỉ hoặc khán giả phản đối kết phim, hay như thực hiện các phần ngoại truyện hấp dẫn và hài hước… Tất nhiên là không phải dự án nào cũng tốt, song thực tế sự thành công của các bộ phim truyền hình, mà đặc biệt là “Về nhà đi con” đã tạo nguồn cảm hứng lớn cho các nhà làm phim, diễn viên và đặc biệt là khán giả.
Bên cạnh sự thắng lợi của dòng phim gia đình, một điều thú vị là dòng phim chính luận đã trở lại với “Mê cung”, “Sinh tử” dù không nhận được sự chú ý bằng. Chính luận là một thể loại quan trọng của phim truyền hình, thậm chí ở nhiều quốc gia, nó còn được coi là dòng chủ lực bởi nhiệm vụ phản ánh thực trạng xã hội theo nhiều chiều hướng, phương diện.
Nhìn lại phim truyền hình Việt Nam giờ chẳng thiếu thứ gì: diễn viên đẹp, diễn xuất tốt, công nghệ hiện đại, đạo diễn dày dặn, chắc tay. Duy điều đầu tiên và cái cuối cùng vẫn phải nhắc đến để cấu thành một bộ phim hay vẫn phải là kịch bản. Khác biệt về kết cấu, dàn dựng, tình tiết, song “Về nhà đi con” có kịch bản ban đầu mang tên “Nước mắt gà trống”, được nhóm biên kịch lấy cảm hứng từ bộ phim “Khi người đàn ông góa vợ bật khóc” của đạo diễn Vũ Trường Khoa. Hay phim “Sinh tử” đang phát sóng khai thác đề tài tham nhũng, hối lộ được nhà văn/biên kịch Phạm Ngọc Tiến ấp ủ và đau đáu đến 10 năm. Đó là những tín hiệu đáng mừng về công tác kịch bản, bởi nó phá bỏ định kiến chỉ kịch bản Việt hoá mới ăn khách.
Đoàn phim “Về nhà đi con” nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ Văn hóa Nguyễn Ngọc Thiện.
Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã đánh giá, hiện nay ở nước ta đã có sự thay đổi về phương pháp tổ chức và sáng tác kịch bản, tuy chưa thật hoàn hảo: “Mặc dù Việt Nam là đất nước còn rất nhiều vấn đề xã hội đầy mâu thuẫn, có thể là mảnh đất phì nhiêu cho những người tìm truyện, nhưng rõ ràng khả năng tiếp cận cuộc sống của các biên kịch trẻ - những người đang thực sự hiện diện trong trận địa này - chưa thật mạnh mẽ và phong phú. Điều đó dẫn đến việc các kịch bản do chúng ta tự lên ý tưởng, tự xây dựng kịch bản không có được sức thuyết phục cần thiết do nó vẫn hời hợt, xa rời cuộc sống. Về công nghệ sản xuất tôi thấy chúng ta không thua kém các nước tiên tiến nhất là về sản xuất phim. Nhưng vấn đề kịch bản lại là vấn đề của mỗi quốc gia. Và chúng ta vẫn đang ở vùng trũng của thế giới về lĩnh vực này”.
Ngoài ra, trong năm 2019, sự đổi mới trong thời lượng phát sóng từ 45phút xuống còn 30phút/tập tính cả quảng cáo khiến nhiều khán giả bày tỏ bức xúc này bởi mọi xung đột lớn, nhỏ không thể giải quyết trong một tập phim. Thời lượng ngắn cũng ảnh hưởng đến các công tác sản xuất. Trong một buổi họp báo, NSND-đạo diễn Khải Hưng từng chia sẻ: “Thời lượng phim 30 phút chỉ phù hợp với phim sitcom chứ không thể nào giải quyết vấn đề trong một tập phim. Ở quốc tế, người ta đã dựng chuẩn 45 phút một tập phim rồi. 30 phút không tài nào làm nổi, tôi phải san các chi tiết ra. Tôi không thỏa mãn”.
Trong bối cảnh phải cạnh tranh gay gắt với phim truyền hình ngoại, phim điện ảnh, gameshow…, không phủ nhận cảnh “nóng” là gia vị giúp tăng rating, thu hút người xem, song gia giảm thế nào cho phù hợp, tinh tế là cả một nghệ thuật. Những bộ phim truyền hình phát sóng gần đây như "Bán chồng", "Tiếng sét trong mưa" hay “Không lối thoát” đều có yếu tố cảnh nóng dày đặc và táo bạo. Bên cạnh đó, nội dung phim khai thác chuyện tình loạn luân giữa mẹ kế và con trai chồng, hay hai anh em cùng mẹ khác cha… cũng khiến khán giả lo ngại, phản ứng mạnh.
Việc tranh cãi giới hạn giữa nóng hay không nóng vẫn là chủ đề gây tranh cãi muôn thuở. Tính đến nay, mới chỉ duy nhất “Quỳnh búp bê” là bộ phim truyền hình Việt đầu tiên được dán nhãn 18+. Song với đặc thù phim tiếp cận nhiều đối tượng khán giả, đặc biệt là trẻ em, hoặc có thể dễ dàng xem lại trên các nền tảng khác như youtube, facebook, khiến nhiều khán giả cho rằng, đã đến lúc cần phải siết chặt hơn nữa công tác kiểm duyệt, dán nhãn cho phim truyền hình, phân loại khán giả theo độ tuổi.
“Đối với việc kiểm duyệt phim truyền hình, thì đài truyền hình có cả một Ban Thư ký để kiểm soát các sản phẩm của mình dựa trên các quy định về phim ảnh cũng như báo chí do nhà nước ban hành. Với các đơn vị sản xuất như VFC, họ cũng có một ban biên tập chịu trách nhiệm về vấn đề này. Tuy nhiên đôi khi vì mong muốn đạt rating cao, các biên tập cũng để lọt (vô tình hoặc cố ý) những cảnh hoặc tình huống bạo lực quá đà, hoặc cảnh nóng không cần thiết, quá mức cho phép. Thì công luận cũng từng khiến cho một số phim phải dừng phát sóng để diều chỉnh. Đó gọi là “tự vệ tinh thần xã hội”, rất cần thiết cho một thời đại mọi thứ đều vận động nhanh đến chóng mặt. Từng người dân, từng gia đình đều có quyền tự vệ như thế”, nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã chia sẻ quan điểm./.
No comments