Nhạc sĩ Doãn Nho vẫn tiếp bước hành trình “Dưới lá quân kỳ“
Với gia tài âm nhạc gồm các tác phẩm nổi tiếng như "Tháng Tám lịch sử", "Chiến thắng", "Tiến bước dưới quân kỳ", "Chiếc khăn Piêu", "Người con gái sông La", "Năm anh em trên một chiếc xe tăng",... nhạc sĩ Doãn Nho đã có nhiều đóng góp cho nền âm nhạc cách mạng Việt Nam, cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Chương trình nghệ thuật "Dưới lá quân kì" tôn vinh Đại tá, nhạc sĩ Doãn Nho đã diễn ra vào tối 28/12 tại nhà hát Âu Cơ, Hà Nội. |
Với đóng góp của mình, nhạc sĩ Doãn Nho đã vinh dự được trao tặng giải thưởng giải thưởng Hồ Chí Minh 2017, giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật (2001), Huân chương Độc lập hạng Ba (1976), Huân chương Chiến thắng hạng Ba (1954), Huân chương Chiến công hạng Ba (1969), Huân chương Lao động hạng Ba (1958), 3 Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất, Nhì, Ba, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Quân công hạng Ba, Giải thưởng Hội Nhạc sĩ Việt Nam và nhiều giải thưởng khác do các tổ chức Trung ương và địa phương trao tặng.
Nhân kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam - 30 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân, Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) phối hợp với Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức chương trình nghệ thuật tôn vinh nhạc sĩ chiến sĩ Doãn Nho vào tối 28/12, tại nhà hát Âu Cơ, Hà Nội.
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ phát biểu trong chương trình ghi nhận những đóng góp của nhạc sĩ Doãn Nho với nền âm nhạc Cách mạng |
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), Chủ tịch Hội đồng Lý luận, Phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương đã phát biểu ghi nhận: "Khi nói đến nền âm nhạc cách mạng của chúng ta mấy chục năm qua, nhắc nhở, ghi ơn các nhạc sỹ nổi tiếng, có công đóng góp to lớn cho Cách mạng, không thể không nói đến Nhạc sỹ, Đại tá, Tiến sỹ âm nhạc Doãn Nho.
Nhạc sĩ Doãn Nho là một nhạc sỹ quân đội. Ông tham gia Cách mạng rất sớm, từ thập niên 40 của thế kỷ trước. Hơn ai hết, ông là người hiểu sâu sắc cuộc sống gian lao, vất vả, anh dũng và hy sinh của người lính. Tác phẩm của ông luôn phản ánh chân thật cuộc sống, chiến đấu, thật gần gũi thân quen với người lính anh hùng và nhân dân anh hùng, đi vào lòng người một cách tự nhiên, sâu đậm. Nhiều tác phẩm thanh nhạc, khí nhạc của nhạc sỹ Doãn Nho được các thế hệ nghệ sỹ của nước ta, trong đó có của Đài thể hiện thành công và đã vang lên trên làn sóng Đài TNVN đến với đồng bào, chiến sỹ cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài".
Với chủ đề là “Dưới lá quân kỳ” lấy ý tưởng từ sáng tác nổi tiếng "Tiến bước dưới quân kỳ", nhạc sĩ Doãn Nho viết năm 1958 khi đang là diễn viên Đoàn Văn công Tổng cục Chính trị, trong một lần đi tiền trạm biểu diễn cho đoàn trở lại đồi A1 ở Điện Biên Phủ, bên xác chiếc xe tăng năm xưa. Ca khúc được hoàn thành rất nhanh, chỉ trong hai ngày và tốp ca nam của Đoàn Ca múa Tổng cục Chính trị bắt tay ngay vào việc tập luyện để biểu diễn. V. Ngay lập tức, chỉ trong thời gian ngắn, "Tiến bước dưới quân kỳ" đã lan toả rộng rãi trong đời sống chiến sĩ bộ đội và nhân dân rồi trở thành bài hát truyền thống của Quân đội Nhân Dân Việt Nam.
Ca sĩ Đinh Mạnh Ninh thể hiện ca khúc nổi tiếng "Chiếc khăn Piêu" của nhạc sĩ Doãn Nho. |
Chương trình nghệ thuật là nét khái quát lớn về toàn bộ sự nghiệp sáng tác của nhạc sĩ Doãn Nho được xâu chuỗi theo dòng sự kiện bằng sự dẫn dắt giản dị đã cho khán giả một hình dung về cuộc đời chiến sĩ - nhạc sĩ Doãn Nho.
Nhạc sĩ Doãn Nho sinh năm 1933 tại làng Cót, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội. Ông đã được tiếp xúc với âm nhạc từ rất sớm và bắt đầu học violon năm 10 tuổi. Sớm tham gia cách mạng, gia nhập Đội Thiếu niên cứu quốc của Mặt trận Việt Minh năm 1945, rồi vào Đội Tuyên truyền xung phong yêu nước. Năm 1951, vừa tròn 17 tuổi, Doãn Nho về Đội văn công trường Lục quân khóa VI, vừa học violon và sáng tác những ca khúc đầu tay bởi những cảm xúc dồi dào từ chính thực tế cuộc sống và bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ để phuc vụ công tác. Nhưng phải đến khi các ca khúc như "Bà mẹ nuôi", "Chiếc khăn rơi", "Tiến bước dưới quân kỳ" ra đời, tên tuổi Doãn Nho mới "định vị" trong lòng công chúng.
Nhạc sĩ, NSƯT Doãn Nguyên, con trai nhạc sĩ Doãn Nho tự hào được chỉ huy chương trình nghệ thuật "Dưới lá quân kỳ". |
Cũng từ đó, như lời nhạc sĩ chia sẻ thì: con đường sáng tác âm nhạc đã mở ra với ông và môi trường Quân đội đã nuôi dưỡng ông trưởng thành, định hình một nhạc sĩ khoác áo lính Doãn Nho và cho đến tận bây giờ, khi đã chuẩn bị bước vào độ tuổi 90 hiếm thì nhịp đập của trái tim người lính vẫn luôn thôi thúc ông làm việc, tìm kiếm cảm hứng sáng tạo, nhất là viết về người chiến sĩ. Các ca khúc của ông luôn khúc chiết, mạch lạc, đa dạng, phong phú. Có lẽ bởi thế mà những ca khúc mới hay cả những sáng tác rất quen thuộc của nhạc sĩ vang lên trong đêm nhạc đều tràn ngập cảm hứng, bởi ở đó, mỗi giai điệu lời ca đều mang những nhịp đập của trái tim người chiến sĩ, nhạc sĩ Doãn Nho.
Sao Mai Đinh Trang thể hiện ca khúc nổi tiếng "Người con gái sông La". |
Đặc biệt hơn, những sáng tác đó lại được thổi vào những luồng gió mới qua cách dàn dựng, phối khí và những giọng ca lần đầu thể hiện như Đinh Mạnh Ninh với “Chiếc khăn Piêu”; NSƯT Mạnh Dũng và tốp nam với “Quả bom câm”; Sao mai Đinh Trang với "Người con gái sông La", Phúc Tiệp với “Người lính mùa xuân về” …đem lại thật nhiều cảm xúc cho người nghe.
Sự xuất hiện của ca sĩ Nguyệt Ánh, người bạn đời của nhạc sĩ Doãn Nho, mái tóc phai sương trên sân khấu, cùng chồng hoà giọng trong ca khúc “Tiến bước dưới quân kỳ”, bảo chứng cho mối tình mãi xanh của ông bà trong suốt 60 năm qua. Nhạc sĩ Doãn Nho từng chia sẻ: "Tất cả những tác phẩm nhạc của tôi đều có hình dáng và tấm lòng của vợ. Nguyệt Ánh đã không quản hy sinh, vất vả để có một Doãn Nho như tôi hôm nay".
Sự xuất hiện của ca sĩ Nguyệt Ánh, người bạn đời của nhạc sĩ Doãn Nho, mái tóc phai sương trên sân khấu, cùng chồng hoà giọng trong ca khúc “Tiến bước dưới quân kỳ”. |
Những chương hồi ức về cuộc đời nhạc sĩ Doãn Nho cứ lần lượt lật mở một cách giản dị, đôi khi chỉ bằng một lời chia sẻ của bạn bè đồng nghiệp, của chính tác giả vậy mà hiệu quả thật thú vị, người nghe cứ đi từ trạng thái cảm xúc này đến cảm xúc khác: Tự hào, hùng tráng của “Tiến bước dưới quân kỳ” đến nỗi niềm sâu lắng trong “Người con gái sông La"; từ không khí rộn ràng, tươi trẻ trong “Chiếc khăn Piêu”, “Làng lính trên đảo” đến rưng rưng khoé mắt trong “Người lính mùa xuân về”.
Khán giả cùng ca vang khúc ca“Năm anh em trên một chiếc xe tăng” với các nghệ sĩ nhóm Ngũ lão. |
Và rồi khán giả cùng ca vang “Năm anh em trên một chiếc xe tăng” với các nghệ sĩ nhóm Ngũ lão, rồi lại ngỡ ngàng, choáng ngợp bởi khí thế hừng hực “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” cho đến những cống hiến hy sinh thầm lặng từ hậu phương, cả niềm vui vỡ òa trong ngày chiến thắng trong tác phẩm khí nhạc như Giao hưởng "Chiến thắng", thơ giao hưởng "Tháng Tám lịch sử".
Tất cả cho thấy khả năng sáng tác trên nhiều lĩnh vực của nhạc sĩ, chiến sĩ Doãn Nho, ông đã cùng các nhạc sĩ cùng thế hệ xây dựng nên một nền âm nhạc cách mạng Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ và xây dựng của đất nước.
Giờ đây, dù đã qua tuổi "Nhân sinh thất thập", nhạc sĩ Doãn Nho vẫn còn đầy đam mê trong sáng tạo âm nhạc, và cuộc hành trình trong âm hưởng tráng ca của nhạc sĩ Doãn Nho vẫn đang tiếp tục nhịp bước trong tiết tấu của hành khúc "Tiến bước dưới quân kỳ"./.
No comments