Họa sĩ Nguyễn Tấn Phát, vẽ chân dung bằng cảm nhận
Sinh năm 1983, tuổi thơ gắn liền với mảnh đất Sơn Tây xinh đẹp, Nguyễn Tấn Phát mang trong mình một niềm đam mê hội họa từ nhỏ. Tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, sau một thời gian dài hoạt động mỹ thuật ứng dụng và truyền nghề sơn mài, hai năm gần đây Tấn Phát đi sâu vào hội họa, nhất là mảng tranh chân dung.
Tranh của Nguyễn Tấn Phát không dễ dãi. Mỗi tác phẩn đều gửi đi một thông điệp về sự vô thường, về tình yêu có thể xoa dịu những vết đau.
Nguyễn Tấn Phát không vẽ những gì anh nhìn thấy, mà vẽ những điều anh cảm thấy. Những chân dung trong tranh Nguyễn Tấn Phát vì vậy mà có chiều sâu nội tâm, có sự ám ảnh đối với người xem, tràn đầy cảm xúc và chứa đựng khá nhiều triết luận.
Họa sĩ Nguyễn Tấn Phát (trai) bên tác phẩm của mình trong một cuộc triển lãm. |
Đôi môi là điểm nhấn chân dung
PV: Nếu nói về hội họa, anh có thể phác họa một chút về bản thân và chủ đề nào anh tâm đắc nhất?
Họa sĩ Nguyễn Tấn Phát: Gần đây tôi theo đuổi dòng vẽ chân dung, vẽ ý niệm, tự sự và quan tâm đến nội tâm của nhân vật.
PV: Nội tâm của nhân vật chắc phải bắt nguồn từ câu chuyện nào đó liên quan đến cuộc đời anh?
Họa sĩ Nguyễn Tấn Phát: Những chân dung tôi vẽ đều là những người thân quen. Trong quãng thời gian tiếp xúc với họ thì tôi hiểu về cuộc sống, cuộc đời, tâm sự của họ và tôi phác họa lại bằng ngôn ngữ của hội họa.
Chân dung tôi vẽ thiên về những số phận người phụ nữ. Theo cuộc đời trải nghiệm của tôi thì thấy những cuộc đời của người phụ nữ éo le, khổ cực, có nhiều tâm sự khó giãi bày, chia sẻ.
Trong cuộc sống, những người gần gũi với tôi nhất như mẹ tôi, chị tôi, và vợ tôi thì đó cũng là cuộc đời một con người, tôi thấy họ thiệt thòi hơn so với đàn ông. Họ vừa phải lo toan cuộc sống, sự nghiệp mà vẫn phải chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống. Họ còn phải lo cho con cái, chồng con, rất là vất vả.
Trong cuộc sống hiện đại, vai trò của phụ nữ cũng khác đi. Họ là những người năng động, nhưng vẫn chịu nhiều thiệt thòi. Dù phụ nữ thời nào thì vẫn thiệt thòi và trong tranh của tôi khắc họa những con người đó.
PV: Khi xem tranh của anh, người xem sẽ thấy suy tư và bị ám ảnh?
Họa sĩ Nguyễn Tấn Phát: Trong nghề nghiệp người họa sĩ cũng luôn mới làm mới mình, tạo ra sự khác biệt. Tôi cũng vậy. Tôi vẽ chân dung nhưng tôi không vẽ nguyên xi những gì nhìn thấy mà tôi vẽ những gì mình cảm thấy từ nhân vật của mình. Tôi thể hiện theo ngôn ngữ riêng. Tất cả những chân dung tôi vẽ đều phảng phất nỗi buồn mà tôi che đậy bằng những mái tóc, mảng màu. Những nhân vật của tôi được che lấp đi đôi mắt. Bởi đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn nhưng đôi mắt của nhân vật tôi vẽ lại được giấu kín đi.
"Ám ảnh cam" -Nguyễn Tấn Phát. |
PV: Đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn để lột tả được điều đó thường không dễ. Nếu che đôi mắt đi thì anh muốn tạo điểm nhấn như thế nào trong mỗi bức chân dung?
Họa sĩ Nguyễn Tấn Phát: Người ta nói đôi mắt là cửa sổ tâm hồn nhưng tôi lại muốn giấu đi đôi mắt. Tôi lột tả nhân vật bằng cảm xúc của đôi môi. Chỉ cần nhìn vào đôi môi của nhân vật thì người ta đoán được tính cách và tình cảm của nhân vật đó như thế nào.
Hầu như tất cả nhân vật của tôi đều có đôi môi mạnh mẽ hơn thông thường. Nhìn bằng mắt thường thì thấy tỷ lệ đôi môi được thể hiện to hơn thông thường nên khi nhìn vào rất ấn tượng.
Thực ra để cảm nhận được cảm xúc qua đôi môi là điều rất là khó, nó là đỉnh cao của cảm nhận cảm xúc hơn cả qua đôi mắt. Đôi khi người trong nghề cũng còn mông lung khi đi tìm cảm xúc đó.
Nhiều người nhìn thấy mình trong tranh của Nguyễn Tấn Phát
PV: Không chỉ hội họa mà ngay cả âm nhạc, văn học thì chủ đề về người phụ nữ vẫn là đề tài khiến cho người làm nghệ thuật muốn khai thác?
Họa sĩ Nguyễn Tấn Phát: Điều này dễ hiểu, nghệ thuật luôn đi tìm kiếm cái đẹp. Vẻ đẹp của người phụ nữ dù khổ đau, thiệt thòi trong xã hội thì họ vẫn luôn đẹp. Họ luôn có sức lôi cuốn, nhất là lôi cuốn các nghệ sĩ nam.
PV: Ngoài thể hiện nhân vật qua đôi môi, thì còn điều gì nữa nhấn mạnh trong từng bức chân dung?
Họa sĩ Nguyễn Tấn Phát: Đôi môi là một trong những chi tiết trên khuôn mặt. Còn để cảm nhận được cảm xúc về bức tranh thì nó còn phụ thuộc vào bố cục của bức tranh, cách mình cắt góc khuôn mặt, đôi khi gam màu. Gam, màu rực rỡ tạo sự hưng phấn, gam màu buồn trầm cũng đem lại sự trầm tư.
PV: Vẽ những nhân vật xung quanh mình, vậy khi mỗi khi hoàn thành tác phẩm thì chính nhân vật có ngỡ ngàng và nhận ra đó là mình không?
Họa sĩ Nguyễn Tấn Phát: Thường khi xong tranh, tôi cho họ xem. Ban đầu họ thường im lặng. sau đó họ có bảy tỏ là khá bất ngờ và chưa từng nhìn thấy bức tranh kỳ lạ đến như vậy.
Dòng tranh tôi vẽ khá kén người xem, người hiểu. Tuy là tranh vẽ chân dung nhưng không phải là chân dung hiện thực mà nó pha một chút hiện thực với biểu hiện ý niệm.
PV: Dòng tranh của anh rất kén người xem và đòi hỏi người xem có nội tậm sâu mới thẩm được?
Họa sĩ Nguyễn Tấn Phát: Thường những người thích tranh của tôi đa phần sống nội tâm. Tranh của tôi nó không phải quá trừu tượng đòi hỏi kiến thức hội họa mà phải là những người sống nội tậm, tình cảm thì nhìn tranh mới cuốn hút. Bức tranh kéo họ từ thế giới bên ngoài lôi tuột vào trong tranh.
Tôi cũng có đăng tranh lên mạng xã hội, cũng có nhiều người không quen biết đã nhắn tin nói rằng : “Tôi đã tìm thấy chính mình trong tranh của anh”.
Tất cả bức tranh tôi vẽ lên và diễn giải thêm ngôn ngữ của mình. Người xem ngoài việc cảm nhận bằng mắt và đọc thêm về những diễn giải hiểu hơn về bức tranh.
PV: Cảm ơn anh!
No comments