Breaking News

Myanmar - Xứ sở hiền như Phật

SỐNG CHẬM Ở MYANMAR

Buổi sáng ở Yangon – cố đô của Myanmar, âm thanh đánh thức chúng tôi không phải là tiếng xe cộ ồn ào, náo nhiệt như ở Thủ đô Hà Nội mà là tiếng quạ kêu. Myanmar có rất nhiều quạ. Quạ lao xao khắp nơi. Ở đây cũng nhiều chim bồ câu và chó hoang. Chim bồ câu bay rợp trời, sà xuống lòng đường hay đậu thành bầy lớn trên phố, thành những hàng dài trên dây điện là hình ảnh vô cùng quen thuộc. Ở Myanmar, chó hoang cũng chạy đầy đường. Người dân không ăn thịt chó nên chúng có thể thoải mái ngủ trên hè phố mà không sợ bị bắt đi. Buổi sáng yên bình ở Yangon bắt đầu như vậy.

Gần 9 giờ sáng, Yangon mới cựa mình tỉnh dậy với phố xá nhộn nhịp, đông đúc hơn. Yangon cấm xe máy nên phương tiện đi lại chủ yếu ở đây là xe bốn bánh. Dù vô lăng xe thuận hay nghịch, tất cả các phương tiện xe cộ đều lưu thông trật tự, đúng làn đường, không có cảnh chen lấn và bấm còi inh ỏi. Dù nhịp sống chậm, nhưng ở Yangon cũng không thể tránh khỏi tình trạng tắc đường. Taxi ở Yangon chạy không tính theo cây số mà tính thời gian di chuyển. Với quãng đường chỉ 6km, ở Yangon đi taxi sẽ mất khoảng 45-50 phút. Mặc dù thường xuyên phải chịu cảnh tắc đường, nhưng các tài xế dường như đã quen với việc đó và vui vẻ chấp nhận di chuyển chậm rãi, thậm chí còn hát véo von theo giai điệu của chiếc radio cũ kỹ trên xe.

Trên phố, hình ảnh thú vị đối với nhiều người lần đầu đến Myanmar là những người đàn ông mặc váy, đi dép tông, miệng nhai trầu bỏm bẻm. Chiếc váy được gọi là longyi – trang phục truyền thống của Myanmar. Phụ nữ thì tô lên mặt loại bột trắng làm từ cây thanakha. Đây là phong cách trang điểm truyền thống rất được yêu thích của người Myanmar.

Người dân Myanmar rất hiền lành, hiếm khi nhìn thấy cảnh người ta to tiếng cãi vã nhau trên phố. Ở Myanmar cũng rất ít tội phạm trộm cắp hay cướp giật. Người Myanmar đa số theo đạo Phật nên họ sống hướng thiện và có quan niệm không lấy những gì không phải của mình. Gắn bó với mảnh đất Myanmar từ năm 1995 đến nay, chị Huỳnh Thị Ngọc Thanh – cô dâu Việt tại Myanmar chia sẻ rằng, môi trường sống ở đây khiến tinh thần chị thoải mái hơn rất nhiều.

“Ở Myanmar không phải nhìn trước ngó sau, không phải lo sợ bị cướp giật. Người dân rất lương thiện và quý mến người nước ngoài. Hồi đầu mới sang còn bỡ ngỡ, nhưng khi đi chợ tôi không bị chặt chém. Chẳng may quên ví trên xe taxi, tài xế sẵn sàng quay lại để trả cho mình. Thật khó để tìm được những điều tốt đẹp ấy ở đâu khác”, chị Thanh chia sẻ.

Còn với tôi, một nữ du khách dù lần đầu tiên đặt chân đến Myanmar, một đất nước xa lạ, nhưng ngay ngày thứ 2 đã có thể tự tin tách đoàn, trèo lên taxi mà không phải lo sợ mình sẽ bị lừa hay gặp phải bất kỳ mối nguy hiểm nào.

Hơn 2 năm sống ở Myanmar, ông Đặng Hải Nhã, Tổng Giám đốc Chi nhánh BIDV ở Yangon cũng hiểu được phần nào lối sống của người dân nơi đây. Theo ông Nhã, người Myanmar sống chậm, thong dong, tự tại, không bon chen, luôn thông cảm, chia sẻ với nhau, hỗ trợ nhau. Họ đi lễ chùa chỉ cầu mong an lành chứ không mong giàu sang, thăng tiến. Tâm nguyện của người Myanmar là làm đủ để ăn và dành một khoản để công đức đi xây chùa hay mua những miếng vàng lá và tiến cúng để dát tượng Phật.

VÙNG ĐẤT PHẬT

Ở Myanmar, khoảng 90% dân số theo đạo Phật. Cả nước có hàng vạn ngôi chùa và tất cả đều được mạ vàng hay sơn son thếp vàng. Chính vì vậy mà người ta gọi Myanmar là đất nước chùa Vàng.

Mỗi ngôi chùa ở Myanmar đều được xây đồ sộ, hoành tráng. Nổi tiếng nhất phải kể đến chùa Shwedagon - hay còn gọi là chùa Vàng - kiệt tác kiến trúc của thành phố Yangon với ngọn tháp chính của chùa cao tới 99m được bao phủ bằng hơn 30 tấn vàng, trên đỉnh gắn hàng nghìn viên kim cương và hồng ngọc. Bảo tháp trên đỉnh mái vòm chính của ngôi đền có một chiếc vương miện nạm hơn 7.000 viên kim cương và đá quý. Lớn nhất là viên kim cương 74 carat. Ngoài ra, những ngôi chùa nổi tiếng khác có thể kể đến như chùa Kyaiktiyo, chùa Sule, chùa Kuthodaw…

Người Myanmar thường xuyên đi chùa. Già trẻ, gái trai đủ cả. Thậm chí, nhiều em bé chưa đầy 1 tuổi cũng được cha mẹ đưa đi chùa. Trong không gian rộng lớn của những ngôi chùa, mỗi người đều chọn cho mình một góc để cầu nguyện. Người ta không chỉ cầu nguyện trong các gian điện mà có thể ngồi ở bất kỳ đâu. Chùa ở Myanmar không có chuyện để tiền lẻ giắt đầy chân tượng phật, không có chuyện đốt nghi ngút vàng mã. Cũng không có cảnh đội lễ chen lấn… Chùa tuy rộng, tuy đông nhưng chỉ văng vẳng tiếng đọc kinh, tiếng nói chuyện khẽ khàng của người dân và du khách.

Ở Myanmar, chùa là chốn linh thiêng, thế nên người dân chỉ được phép đi chân trần và mặc quần áo kín đáo.

Ở Myanmar, không khó để bắt gặp hình ảnh các nhà sư đi khất thực thành từng đoàn trên dường phố. Các nhà sư không ăn chay và chỉ được ăn từ khi mặt trời mọc đến trước 12h trưa, sau 12h trưa đến sáng hôm sau không được ăn gì nữa, chỉ uống nước.

Người dân Myanmar có thể không giàu có, nhưng có lẽ hiếm nơi đâu bạn lại có thể dễ dàng nhìn thấy nhiều vàng như ở Myanmar. Những người sùng đạo dát vàng lên tượng Phật là hình ảnh không hề hiếm gặp.

Anh Aung, 42 tuổi, hướng dẫn viên du lịch ở Mandalay chia sẻ: “Phật pháp hướng con người đến những điều thiện. Người Myanmar, các bạn thấy đấy, đều thân thiện, cởi mở, hòa đồng với tất cả mọi người xung quanh. Chúng tôi chung sống hòa thuận không chỉ giữa những người theo đạo Phật với nhau mà còn với cả những người theo tôn giáo khác. Chúng tôi luôn quan niệm rằng, phải làm ít nhất một điều tốt mỗi ngày. Những người lớn trong gia đình thường thức dậy sớm, nấu ăn để đến giờ các nhà sư đi khất thực thì cho họ đồ ăn. Chúng tôi coi đó là ít nhất một điều tốt mình làm trong một ngày”.

Còn với anh Maung, 29 tuổi, hiện đang làm việc tại Yangon, văn hóa Myanmar có nhiều sự khác biệt so với các nước phương Tây. Là những người sùng kính Phật, người Myanmar luôn tâm niệm không bao giờ được làm điều gì xấu xa. Họ chỉ làm điều tốt và sẽ nhận lại những điều tốt đẹp và sống một cuộc sống hạnh phúc. Đó chính là lý do họ sùng bái đạo Phật bởi tôn chỉ của đạo Phật rất giản dị.

Anh Maung nói: “Tôi đi chùa mỗi tuần một lần và vào mỗi tối, tôi lại cầu nguyện. Chúng tôi đến chùa cùng gia đình, bạn bè để làm công đức. Chúng tôi không chỉ cầu nguyện cho bản thân mà còn cho tất cả mọi người. Chúng tôi tin tưởng vào Phật và luôn suy nghĩ và hành động tích cực.

Nếu làm điều xấu, con người sẽ phải xuống địa ngục để đền tội và sẽ không được lên thiên đường. Chúng tôi muốn được lên thiên đường bởi nơi đó cuộc sống rất gần với thần Phật. Chính vì thế, chúng tôi luôn thực hiện nghiêm chỉnh giáo lý của nhà Phật. Chúng tôi cầu nguyện rất nhiều để tinh thần được minh mẫn và luôn tâm niệm phải thật trung thực. Phật cũng dạy chúng tôi không được làm điều xấu không chỉ với bản thân mà với tất cả mọi người. Đó cũng là lẽ sống của chúng tôi”./.

No comments

Trung Tam Day Nghe Toc | Day Nghe Toc Gia Re | Hoc Cat Toc Ha Noi | Day Cat Toc Gia Re | Hoc Cat Toc | Hoc Cat Toc Co Ban | Hoc Vien Toc | Hoc Vien Toc Ha Noi | Day Cat Toc Nam Ha Noi | Day Cat Toc Nu Ha NoiDay Cat Toc Gia Re | Học Viên Tóc Hà Nội | Học Cắt Tóc Tại Hà Nội | Nên Học Cắt Tóc Ở Đâu | Địa Chỉ Dạy Cắt Tóc | Trung Tam Day Nghe Toc Tai Ha Noi | Truong Day Cat Toc Ha Noi | Hoc Cat Toc Nam O Ha NoiHọc Cắt Tóc Ở Hà Nội | Dạy Nghề Uy Tín | Học Nghề Cắt Tóc Ở Đâu | Học Viên Tóc Hà Nội | Học Cắt Tóc Uy Tín Hà Nội | Hoc Cat Toc Chi Phi Thap | Day Cat Toc Co Ban Ha Noi