Nghệ sĩ Nguyễn Chánh Tín đã hết nợ trần
Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Chánh Tín được nhiều thế hệ khán giả phim Việt biết đến với vai Nguyễn Thành Luân trong phim “Ván bài lật ngửa”. Không kịp đón mùa xuân mới, sau giấc ngủ một đêm cuối đông, ông đã bình yên ra đi vào rạng sáng ngày 4/1/2020, thọ 68 tuổi, để lại nhiều thương tiếc trong giới điện ảnh Việt và khán giả.
Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Chánh Tín sinh năm 1952 tại Bạc Liêu trong một gia đình có truyền thống võ học. Ông là con út trong gia đình có năm người con, cha là Nguyễn Chánh Minh, một võ sĩ nổi tiếng dưới thời vua Bảo Đại, chuyên đi trừ gian diệt bạo, sau là đệ tử của một tướng trong quân đội Tôn Trung Sơn lưu lạc sang Việt Nam. Mẹ ông là Lưu Ngọc Lan, một hoa khôi của vùng Bạc Liêu - Cà Mau.
Trước khi trở thành một ca sĩ, diễn viên điện ảnh, năm 1972, ông thi trượt vào trường Đại học Y khoa và trở thành sinh viên trường Luật. Với mơ ước mở một Văn phòng Luật của riêng mình nhưng có lẽ đam mê nghệ thuật đã làm chàng sinh viên Luật đổi hướng. Ngay từ khi học trong trường Luật Sài Gòn trước năm 1975, Nguyễn Chánh Tín đã là một giọng ca nổi tiếng trong giới sinh viên và hướng làm ca sĩ chuyên nghiệp.
Một gương mặt nghệ sĩ tài hoa
Không chỉ là một giọng ca trẻ nổi tiếng của Sài Gòn trước năm 1975, với vẻ đẹp nam tính rất cinema, Nguyễn Chánh Tín đã được các hãng phim ngày ấy để mắt và ông đã chứng tỏ tài năng điện ảnh của mình. Năm 1973, ông đã giành được huy chương vàng điện ảnh, lại được giải Kim Khánh về âm nhạc do 40 tờ báo hàng đầu Sài Gòn bình chọn.
Chánh Tín và vợ đi hát thời sinh viên trường Luật |
Năm 1974, Chánh Tín đóng cặp với diễn viên Băng Châu trong phim “Vĩnh biệt mùa hè” của đạo diễn Lê Hoàng Hoa tạo thành một sự kiện tại các rạp ở Sài Gòn. Trước đó, ông đã xuất hiện trên màn ảnh rộng trong phim “Đời chưa trang điểm” của đạo diễn Hoàng Vĩnh Lộc. Sau năm 1975, Nguyễn Chánh Tín “đầu quân” về đoàn kịch Bông Hồng (của bà bầu Thẩm Thúy Hằng), là một gương mặt nam đẹp diễn xuất “đỉnh” của đoàn kịch.
Năm 1977, khi đoàn phim “Mối tình đầu” của Hãng phim truyện Việt Nam vào TP Hồ Chí Minh làm phim, đạo diễn Hải Ninh đã yêu cầu chọn một giọng nam lồng tiếng cho vai Ba Duy của NSND Thế Anh. Sau 4 - 5 người toàn diễn viên có tiếng đến thử giọng, đều không đạt yêu cầu, chỉ đến khi Nguyễn Chánh Tín, lúc này đang ở đoàn kịch Bông Hồng đến thử giọng, đạo diễn Hài Ninh ngay lập tức, nói; “Đây là giọng của Ba Duy”.
Năm 1982, lúc Nguyễn Chánh Tín tròn 30 tuổi, một cơ duyên xuất hiện. Đạo diễn Lê Hoàng Hoa mời Nguyễn Chánh Tín vào vai Nguyễn Thành Luân trong bộ phim "Ván bài lật ngửa". Và đây cũng là một dấu ấn quan trọng với Nguyễn Chánh Tín trong sự nghiệp. Ông vừa là huyền thoại một thời, vừa đồng hành cùng điện ảnh Việt Nam trong những chặng đường sau này.
Ngoài “Ván bài lật ngửa” thì Nguyễn Chánh Tín cũng ghi dấu ấn trong nhiều dự án phim điện ảnh khác như “Khi đàn ông có bầu” (2005), “Dòng máu anh hùng” (2007), “Lệnh xóa sổ” (2011), “Cưới ngay kẻo lỡ” (2012), “Ngôi nhà oan khốc”, “Chiếc mặt nạ da người”, “Lời cảnh cáo cuối cùng”, “Bến sông trăng”, “Em chưa 18” (2017)…
Ông cũng từng làm Giám đốc Hãng phim Chánh Phương sản xuất các bộ phim “Dòng máu anh hùng”, “Hiệp sĩ guốc vông”…. Đặc biệt thành công của “Dòng máu anh hùng”, được đánh giá là đại diện tiêu biểu của dòng phim hành động võ thuật của màn ảnh Việt. Trang IMDB đánh giá phim đạt 7,1/10 điểm. Thành công của bộ phim cũng đưa tên tuổi Johnny Trí Nguyễn và diễn viên Ngô Thanh Vân trở thành cặp đôi phim hành động Việt Nam được yêu thích nhất cho đến tận hiện tại.
“Ván bài lật ngửa” vinh danh tên Nguyễn Chánh Tín
38 năm sau, bộ phim vẫn là đỉnh cao của điện ảnh Việt. Năm 1982, phim “Ván bài lật ngửa” ra mắt khán giả với 8 tập rải đều trong 6 năm, mỗi tập mang một tên riêng: Đứa con nuôi vị giám mục (1982), Quân cờ di động (1983), Phát súng trên cao nguyên (1983), Cơn hồng thủy và bản Tango số 3 (1984), Trời xanh qua kẽ lá (1985), Lời cảnh cáo cuối cùng (1986), Cao áp và nước lũ (1987) và Vòng hoa trước mộ (1987).
Chánh Tín trong phim "Ván bài lật ngửa" |
Phim vốn được chuyển thể từ tiểu thuyết “Giữa biển giáo rừng gươm” của nhà văn Trần Bạch Đằng, kể về quãng đời hoạt động của nhân vật có thật ngoài đời - Anh hùng LLVT, liệt sĩ Đại tá tình báo Phạm Ngọc Thảo với bí danh Chín T. Tại LHP Việt Nam lần thứ 6 năm 1983, phim đoạt Giải đặc biệt với tập "Đứa con nuôi vị giám mục". Tại LHP Việt Nam lần thứ 7 năm 1985, tập phim "Trời xanh qua kẽ lá" đoạt giải Bông sen bạc, đồng thời giành luôn giải Nam diễn viên chính xuất sắc nhất cho Nguyễn Chánh Tín.
Cơn sốt và sức ảnh hưởng của bộ phim tình báo dài 8 tập kéo dài trong suốt 6 năm (từ 1982-1987) với ước tính khoảng 10 triệu lượt người xem/tập (thời phim chiếu lưu động ngoài bãi và lên rừng xuống biển, len đến tận hang cùng ngõ hẻm các thành phố) đã khiến hình ảnh của nghệ sĩ Nguyễn Chánh Tín, trong vai nhà tình báo Nguyễn Thành Luân trở nên gần gũi và thân thuộc với khán giả trong suốt hai thập niên 80, 90. Và cho đến tận hôm nay, nhắc tới Nguyễn Chánh Tín, nhiều người chỉ nhớ tới nhân vật Nguyễn Thành Luân trong “Ván bài lật ngửa”.
Cơ duyên để vào vai Nguyễn Thành Luân trong “Ván bài lật ngửa” cũng thật đặc biệt. Vào thời ấy, Nguyễn Chánh Tín là một mẫu “idol”, “sao” của khán giả, nhưng sau ánh hào quang, ông vẫn phải vất vả kiếm tiền để lo toan bươn chải cuộc sống thường nhật cho vợ con, có lúc cả hai người phải bán trái cây, rau củ ngoài chợ… Và trong một lúc quẫn bách, một ngày của năm 1979, sau xuất diễn trưa ở đoàn kịch Bông Hồng, Nguyễn Chánh Tín lặng lẽ giấu vợ con đón xe về miền Tây để tìm đường vượt biên.
Chuyến đi không thành, ông thành “tội phạm xuất cảnh trái phép”, bị bắt tạm giam 1 tháng. Vào thời điểm đó, đạo diễn Lê Hoàng Hoa đang dàn dựng phim “Ván bài lật ngửa”, đã quay xong tập 1 với vai Nguyễn Thành Luân do nhà báo Huỳnh Bá Thành diễn (Họa sĩ Ớt - sau là Tổng biên tập báo Công an TP Hồ Chí Minh), nhưng khi mang ra ngoài Cục Điện ảnh và đưa một số cơ quan xem duyệt thì không được chấp nhận.
Đúng lúc ấy, ông Trần Bạch Đằng và ông Dương Đình Thảo ở Thành ủy, phụ trách về Văn hóa nghệ thuật TP từ sau ngày 30/4/1975, do đã nhiều lần xem Nguyễn Chánh Tín diễn xuất cả phim và kịch, nên “tiến cử” với đạo diễn Lê Hoàng Hoa. Nhưng khi tìm tới đoàn kịch Bông Hồng thì biết ông đang trong trại tạm giam vì xuất cảnh trái phép. Thế là hai ông bảo lãnh cho về casting. Và khi có được cái gật đầu của đạo diễn, đích thân hai ông hàng ngày đưa đón Nguyễn Chánh Tín đi đóng phim từ trại tạm giam. Và với một cam kết, hay một “hợp đồng số phận”: Nếu diễn không hay thì sẽ tăng gấp đôi án phạt, còn hay thì sẽ được tha về nhà với vợ con và tiếp tục đi diễn.
Và vai diễn Nguyễn Thành Luân để đời, làm nên chân trời tự do rộng mở để dẫn Nguyễn Chánh Tín trở thành tài tử nổi tiếng. Nguyễn Chánh Tín thể hiện được nét hào hoa, lịch lãm, thông minh, điềm đạm của một nhà tình báo chuyên nghiệp. Gương mặt thon gầy tôn chiếc mũi thẳng tự nhiên, vầng trán vuông thông minh và đôi mắt với ánh nhìn sâu, từng trải, nghiêm lạnh, sắc sảo mà ấm áp…
Một cách diễn nhập vai tự nhiên, toát lên khí chất quý ông lịch lãm hiếm có khó tìm trên màn ảnh Việt, diễn xuất điềm tĩnh và tiết chế, cách nhả thoại khoan thai, từ tốn, ngay cả trong những tình thế cân não, ngàn cân treo sợi tóc hay kẻ thù bao vây tứ phía…
Tất cả đã làm nên một Nguyễn Thành Luân tuyệt vời trong “Ván bài lật ngửa”, để 38 năm sau khi nhắc đến tên ông là nhớ tới phim, hay nhắc tới phim là nhớ tới tên ông.
Đã có lúc tưởng chừng ông giã từ phim trường, giã từ đam mê điện ảnh bởi việc sản xuất phim của hãng Chánh Phương do ông làm Giám đốc gặp nhiều khó khăn tài chính, lỗ hơn huề vốn, rồi mang nợ phải gán cả nhà…, rồi sức khỏe không tốt cùng nhiều áp lực cuộc sống khác đè nặng… Nhưng hai năm trở lại đây, lại thấy ông xuất hiện trong các vai diễn phụ đầy ấn tượng phim điện ảnh, phim truyền hình, hay tham gia các gameshow truyền hình, và gần nhất là xuất hiện trong chương trình “Ký ức vui vẻ”…
Ông rời cõi tạm thanh thản sau một giấc ngủ, như rũ hết nợ trần để phiêu du một miền khác. Nhưng chắc chắn tên ông sẽ đọng lại trong khán giả phim Việt như một ngôi sao đẹp với những vai diễn đẹp khó quên./.
No comments